Một số nhà dân bị sụt lún, sạt lở do mưa lớn kéo dài |
Từ ngày 21/7 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra mưa lớn gây ngập úng ở nhiều vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân và cơ sở hạ tầng, đường giao thông trên địa bàn.
Tại huyện Tu Mơ Rông, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 vừa qua và áp thấp nhiệt đới nối tiếp, trên địa bàn có mưa vừa, lượng mưa từ 27,2 - 49,2mm.
Theo thống kê, trên địa bàn các xã như: Tê Xăng, Măng ri... có một số nhà dân bị tốc mái, bị sụt lún móng. Ước tính thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều hoa màu trên địa bàn huyện như: Sâm Ngọc Linh, cà phê, ngô... cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Ước tính thiệt hại trên 100 triệu đồng.
Cùng với đó, do mưa lớn kéo dài nên lượng nước đổ về lớn khiến mương thủy lợi thôn Đăk Sông, tuyến đường ATK, tuyến đường AmPoly thôn Tu Thó, kè đường khu tái định cư thôn Tân Ba (xã Tê Xăng) bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Ước tính thiệt hại trên 400 triệu đồng.
Cây tự nhiên ngã đổ đã khiến nhiều cây sâm Ngọc Linh bị dập nát, hư hại |
Để giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho người dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo UBND các xã huy động lực lượng xung kích tiến hành làm rào chắn, cắm biển cảnh báo vị trí hư hỏng, sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện khi tham gia giao thông; hướng dẫn và hỗ trợ giằng néo nhà cửa, khắc phục những thiệt hại nhỏ.
Đồng thời, các địa phương kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện việc che chắn chuồng trại cẩn thận và tuyệt đối không chăn thả đàn gia súc để tránh thiệt hại.
Nhiều cây sâm Ngọc Linh bị dập nát, hư hại |
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống lũ bão, kịp thời chỉ đạo ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh theo dõi tình hình diễn biến thời tiết để kịp thời thông báo cho Nhân dân phòng tránh; đồng thời, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra thiên tai; rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân trước khi có tình huống xảy ra.
Song song đó, các lực lượng chức năng chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; thực hiện nghiêm túc trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự và chế độ thông tin báo cáo theo quy định.