Liên tiếp nhiều ca tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ
Thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, chỉ trong tháng 6 vừa qua, Bệnh viện đã ghi nhận nhiều trẻ nhập viện do tai nạn thương tích với nhiều mức độ chấn thương khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Phần lớn, trẻ trong độ tuổi học sinh, gặp tai nạn trong các tình huống như giao thông, leo trèo…
Đơn cử, một ca đặc biệt nghiêm trọng mới đây là bệnh nhi 9 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do va chạm với ô tô khi đang ngồi sau xe máy. Trẻ bị dập nát toàn bộ vùng cẳng chân bên phải, vỡ xương chậu bên phải, chấn thương phần mềm.
Theo ThS.BS Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương: Khi nhập viện, trẻ trong tình trạng đa chấn thương, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Toàn bệnh viện đã kích hoạt hệ thống "Báo động đỏ" để hội chẩn và thống nhất ý kiến điều trị, cứu sống bệnh nhi.
Mặc dù, trẻ được tiến hành hồi sức khẩn trương và tích cực, tuy nhiên, do tổn thương quá nặng, các bác sĩ buộc phải cắt cụt cẳng chân bên phải. Trẻ đang được tiếp tục theo dõi sát và chăm sóc tích cực tại Bệnh viện.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC |
Một tai nạn khác xảy ra với bệnh nhi 15 tuổi khi trèo cây hái quả vải, trượt chân ngã, gây tổn thương nghiêm trọng. Trẻ nhập viện trong tình trạng rách tầng sinh môn, rách trực tràng và niệu đạo, phải phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận một số tình huống hy hữu khác do tai nạn thương tích xảy ra trong đợt hè này như bé trai 9 tuổi đi bắn cá bằng cung cùng người thân, không may bị bắn nhầm vào vùng vai, gây khó thở do tràn khí màng phổi và dưới da.
Hay trường hợp trẻ tự ngã khi đi xe đạp, nhập viện trong tình trạng nguy kịch với chấn thương gan độ III, rò mật trong ổ bụng, phải phẫu thuật cấp cứu để xử lý; một bệnh nhi 19 tháng tuổi bị khỉ nhà hàng xóm nuôi cắn vào tay và vùng mặt khi sang chơi…
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, mới đây cũng tiếp nhận bé 5 tuổi ở Lạng Sơn trong tình trạng cấp cứu, khó thở, chỉ số oxy máu giảm nghiêm trọng. Các bác sĩ phát hiện dị vật mắc ở dưới hạ thanh môn, một vị trí rất nguy hiểm, nên đã khẩn trương phẫu thuật nội soi, gắp dị vật là cúc áo.
Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Thu Thúy, Trung tâm Ung bướu và phẫu thuật Đầu Cổ, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, hóc dị vật đường thở là tình huống các bác sĩ thường gặp, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nếu không được xử trí kịp thời, trẻ dễ gặp biến chứng, thậm chí tử vong.
Nhiều trường hợp dị vật dễ bị nhầm với bệnh hô hấp như viêm phế quản hoặc hen, nhất là khi người lớn không chứng kiến "hội chứng xâm nhập" – dấu hiệu điển hình khi trẻ hít hoặc nuốt dị vật. Khi đó, trẻ không thể tự mô tả triệu chứng, nguy cơ bỏ sót rất cao. Trong những tình huống dị vật bịt kín hoàn toàn đường thở, trẻ sẽ nhanh chóng ngừng thở và tử vong.
Gần đây, một bé gái (21 tháng tuổi, trú tại Hà Nội) cũng được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau khi nuốt phải một chiếc kẹp tóc kim loại dài khoảng 5cm khi chơi cùng chị gái.
Rất may mắn, qua nội soi, các bác sĩ ghi nhận dị vật vẫn nằm trong dạ dày, chưa gây rách hay thủng. Dị vật được cố định bằng dụng cụ chuyên dụng và gắp ra thành công, không để lại biến chứng.
Đây chỉ là một số trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích trong thời gian vừa qua. Theo các bác sĩ, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng thương tích gia tăng trong mùa hè là do trẻ được nghỉ học, có nhiều thời gian chơi tự do nhưng lại thiếu sự giám sát từ người lớn. Trong khi đó, trẻ nhỏ vốn hiếu động, tò mò, chưa nhận thức được nguy hiểm và chưa có kỹ năng phòng ngừa. Bất kỳ hoạt động nào từ chơi đạp xe, trèo cây, nghịch điện, cho đến đi lại gần ao hồ đều có thể trở thành tình huống nguy cơ nếu không được kiểm soát đúng mức.
Dạy trẻ các kỹ năng nhận biết nguy cơ tai nạn
Tai nạn không chỉ xảy ra ở các trò chơi mạo hiểm. Với trẻ nhỏ, ngay cả không gian sống quen thuộc trong gia đình cũng có thể gây nguy hiểm nếu thiếu các biện pháp bảo vệ như cầu thang không tay vịn, cửa sổ không có rào chắn, hóa chất hoặc vật nhọn trong tầm tay…
Để bảo vệ trẻ trong mùa hè, khoảng thời gian dài để trẻ vui chơi và khám phá thế giới xung quanh, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ cần tăng cường giám sát trẻ trong mọi hoạt động hằng ngày, đặc biệt khi trẻ bơi lội, vui chơi ngoài trời hoặc tham gia giao thông.
Cần trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ để giảm thiểu nguy cơ đuối nước |
Trẻ cần được giáo dục sớm về kỹ năng nhận biết nguy hiểm, tránh leo trèo, không nghịch các vật sắc nhọn hoặc hóa chất độc hại. Không gian sống của trẻ phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối, ban công, cửa sổ cần có rào chắc chắn, cầu thang có tay vịn vững vàng. Tuyệt đối không để trẻ tự leo lên những nơi cao như mái nhà hay gác xép, ban công.
Cha mẹ cần lưu ý không cho trẻ điều khiển các phương tiện giao thông như xe máy, xe đạp điện khi chưa đủ tuổi; khi đi xe đạp, trẻ phải chấp hành luật giao thông, không đi hàng ngang, không băng qua đường đột ngột.
Ở những nơi có công trình xây dựng, cần đặt biển cảnh báo nguy hiểm và có biện pháp che chắn phù hợp để phòng ngừa tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Khi trẻ không may bị tai nạn thương tích, cha mẹ không nên tự xử trí tại nhà mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, gia đình và nhà trường nên phối hợp giáo dục trẻ kỹ năng sống, lồng ghép kiến thức an toàn vào các hoạt động học hè.