Hôm nay, ngày 1/7/2025, tỉnh Đồng Nai mới chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập giữa tỉnh Đồng Nai (cũ) và Bình Phước (cũ). Với quy mô dân số hơn 4 triệu người, diện tích gần 13.000 km2, cùng hệ thống hạ tầng công nghiệp, logistics, thương mại cửa khẩu đa dạng, tỉnh Đồng Nai mới đang đứng trước thời điểm vàng để tái cơ cấu toàn diện hoạt động thương mại, hướng tới trở thành trung tâm thương mại, logistics lớn của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước.
Thị trường mở rộng, động lực mới cho thương mại nội vùng
Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới bao gồm nhiều vùng phát triển chênh lệch nhau về trình độ công nghiệp và phân bố dân cư, nhưng lại có khả năng bổ trợ hoàn hảo trong cấu trúc kinh tế. Một bên là Đồng Nai (cũ), nơi tập trung các trung tâm đô thị, công nghiệp, logistics, dịch vụ hiện đại như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành; một bên là Bình Phước (cũ), địa bàn giàu tài nguyên, phát triển nông nghiệp hàng hóa với những vùng nguyên liệu lớn như điều, tiêu, cao su, trái cây.
Sau sáp nhập, không gian thương mại nội tỉnh sẽ được mở rộng, phá vỡ rào cản địa giới hành chính trước đây. Hoạt động phân phối hàng hóa có điều kiện để liên kết sâu hơn từ vùng nguyên liệu – vùng sản xuất – vùng tiêu dùng. Hàng hóa nông sản của Bình Phước (cũ) có thể luân chuyển thuận lợi về các đô thị phía Nam để tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, khu công nghiệp và ngược lại, hàng hóa công nghiệp từ Đồng Nai (cũ) dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu dùng nội vùng, đặc biệt ở các khu vực dân cư đang phát triển tại Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đăng (cũ)...
Ngành sản xuất hạt điều sẽ là hạt nhân thương mại nông sản của tỉnh Đồng Nai mới sau sáp nhập.
Sự hình thành một không gian thương mại thống nhất cũng giúp giảm chi phí lưu thông hàng hóa, nâng cao hiệu quả phân phối, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng hệ thống bán lẻ, đại lý, chi nhánh phân phối liên vùng. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh triển khai các mô hình cụm thương mại, dịch vụ vệ tinh, tạo động lực tăng trưởng bền vững trong nội bộ tỉnh.
Ngoài ra, một trong những lợi thế nổi bật của tỉnh Đồng Nai mới là hệ thống kết nối hạ tầng vùng đang phát triển mạnh mẽ. Từ cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (giáp Campuchia), hàng hóa có thể đi qua trục QL 13, QL 14, Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Chơn Thành – Dầu Giây – Long Thành, kết nối trực tiếp với cảng biển Cái Mép – Thị Vải và Sân bay quốc tế Long Thành (sắp hoàn thành).
Trục hành lang thương mại này sẽ đóng vai trò “xương sống” vận hành luồng hàng hóa nội tỉnh và quốc tế. Đặc biệt, các điểm trung chuyển như Chơn Thành, Dầu Giây, Long Thành, Nhơn Trạch có thể được quy hoạch thành các trung tâm logistics hiện đại, tích hợp chợ đầu mối, kho lạnh, hệ thống phân loại, đóng gói, truy xuất nguồn gốc và hệ thống giao nhận linh hoạt theo thời gian thực (real-time logistics).
Đồng thời, hệ thống đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu (đang nghiên cứu đầu tư), tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ và các dự án đường vành đai 3, 4 sẽ giúp đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm áp lực cho đường bộ, giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh cho thương mại địa phương.
Phát triển thương mại nông sản, công nghiệp theo chuỗi giá trị
Sự kết nối giữa hai vùng có cơ cấu kinh tế khác biệt tạo cơ hội vàng để hình thành các chuỗi giá trị thương mại bền vững. Tỉnh Bình Phước (cũ) là vùng có diện tích cây công nghiệp dài ngày lớn nhất cả nước với hơn 170.000 ha điều, cao su, hồ tiêu; còn Đồng Nai (cũ) có thế mạnh về chế biến thực phẩm, bao bì, cơ khí hỗ trợ, hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối hiện đại.
Thương mại nông sản của tỉnh Đồng Nai mới sẽ được tổ chức lại theo mô hình: vùng sản xuất – cụm sơ chế – trung tâm phân phối – đầu ra thị trường. Các sản phẩm như hạt điều, tiêu, trái cây có thể được sơ chế, đóng gói tại Bình Phước (cũ), vận chuyển về Long Thành – Biên Hòa (cũ) để xuất khẩu qua cảng biển hoặc phân phối qua hệ thống siêu thị, chợ đầu mối miền Nam.
Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ cũng có cơ hội tiếp cận hệ sinh thái thương mại hiện đại, học hỏi mô hình vận hành, marketing, thương hiệu từ hệ thống doanh nghiệp tại Đồng Nai mới. Đây là cơ hội để chuẩn hóa quy trình thương mại nông sản, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, với dân số trẻ, hạ tầng viễn thông phát triển, tỉnh Đồng Nai mới có nền tảng thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử nông sản. Trong vài năm qua, các sàn thương mại điện tử lớn đã bước đầu triển khai thu mua, bán lẻ sản phẩm nông nghiệp của các địa phương nơi đây, nhưng vẫn còn phân tán, chưa có trung tâm điều phối cấp vùng.
Cảng Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa và logistics khu vực phía Nam.
Tỉnh Đồng Nai mới nên quy hoạch các trung tâm logistics số, trung tâm dữ liệu thương mại điện tử tại khu Long Thành, Trảng Bom, Chơn Thành, nơi có kết nối tốt với hạ tầng giao thông. Các mô hình “chợ số”, “gian hàng tỉnh”, “OCOP online” cần được đầu tư chuyên nghiệp, tích hợp thanh toán điện tử, kho lạnh thông minh, vận hành theo chuỗi và gắn với xúc tiến thương mại điện tử quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh cần hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, vốn là lực lượng nòng cốt của thương mại nội địa. Chuyển đổi số không chỉ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả tiếp cận thị trường, mà còn nâng cao tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu bền vững.
Có thể thấy, sự phát triển thương mại tại tỉnh Đồng Nai mới sẽ không thể hiệu quả nếu thiếu một chiến lược điều phối liên vùng. Sau sáp nhập, nguy cơ chồng chéo quy hoạch, trùng lặp đầu tư hạ tầng thương mại là hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có một tầm nhìn thống nhất, tích hợp giữa phát triển công nghiệp, thương mại, logistics, đô thị.
Tỉnh Đồng Nai cần nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển thương mại giai đoạn mới, trong đó quy hoạch các cụm thương mại, dịch vụ vệ tinh, khu logistics chuyên biệt, trung tâm thương mại cấp vùng, các điểm giao thương cửa khẩu, đồng thời ban hành cơ chế xúc tiến thương mại trọng điểm cho nhóm sản phẩm thế mạnh như điều, trái cây, thực phẩm chế biến, công nghiệp phụ trợ.
Việc hình thành các liên minh phân phối, liên kết doanh nghiệp, siêu thị, logistics, hỗ trợ thương hiệu địa phương, tổ chức các hội chợ thương mại quy mô vùng sẽ góp phần đưa thương mại địa phương vươn ra thị trường quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Tỉnh Đồng Nai mới hình thành được đánh giá không chỉ tạo nên một không gian kinh tế mới mà còn mở ra thời điểm chiến lược để phát triển thương mại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao. Với lợi thế về vị trí, dân số, cơ cấu kinh tế đa dạng và hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ, tỉnh Đồng Nai mới hoàn toàn có thể trở thành trung tâm thương mại, logistics trọng điểm của miền Nam, vươn tầm khu vực trong giai đoạn tới.