Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng Hòa Bình đầu tư nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP, được thị trường trong và ngoài tỉnh tin tưởng.
Toàn tỉnh có trên 500 hồ thủy lợi, đặc biệt là hồ thủy điện Hòa Bình dài trên 80 km, diện tích mặt nước gần 8.900 ha, vừa phục vụ sản xuất điện năng, điều tiết tưới tiêu khu vực đồng bằng sông Hồng..., vừa tạo cảnh quan kỳ vĩ cho phát triển du lịch. Hồ còn bảo tồn nguồn lợi thủy sản với trên 90 loài, phân loài bản địa và di nhập. Nơi đây cũng là tiềm năng để phát triển nuôi cá lồng quy mô lớn các loài cá thương phẩm.
Để khai thác tiềm năng mặt nước, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình; khuyến khích doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư nuôi trồng thủy sản. Hiện, toàn tỉnh có 33 trang trại và HTX nuôi trồng thủy sản; trong đó có 10 cơ sở chuyên nuôi thủy sản, 23 cơ sở hoạt động nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 2,7 nghìn ha, tăng 510 ha so với năm 2015. Nhiều cơ sở đầu tư nuôi vài chục lồng, cá biệt có những cơ sở nuôi trên 100 lồng cá. Một số doanh nghiệp được cấp chứng nhận đã ký kết liên doanh với các hộ nuôi cá lồng hợp quy chuẩn VietGAP.
Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong hoạt động trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và kinh doanh thủy sản. Ngoài hệ thống trang trại với 180 lồng nuôi cá tại tổ Tháu, phường Thái Bình, công ty còn mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết cùng các hộ dân nuôi cá tại vùng hồ sông Đà với 130 lồng, đạt tổng sản lượng khoảng 500 tấn/năm. Theo chia sẻ của giám đốc Nguyễn Văn Toản, các sản phẩm chủ yếu của công ty là cá trắm đen, lăng vàng, lăng đen, lăng đuôi đỏ, chép giòn, rô phi… được nuôi theo quy trình VietGAP. Công ty tạo việc làm cho 10 lao động trực tiếp, 10 lao động gián tiếp, thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/người/ tháng. Với những lợi thế của mình, công ty đã sản xuất và cho ra mắt sản phẩm ruốc cá sông Đà làm từ các loại cá được khai thác, nuôi trồng trong môi trường tự nhiên của vùng hồ. Quy trình nuôi, sản xuất ruốc cá được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn ISO và HACCP. Để sản phẩm đến với khách hàng, công ty chọn Hà Nội là thị trường đầu tiên, trong đó hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị là đối tượng hướng tới trước. Hiện, sản phẩm ruốc cá sông Đà đã có mặt tại hơn 50 hệ thống cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh.
Những năm qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành thủy sản đã giúp sản lượng nuôi trồng tăng mạnh, nhất là sản lượng nuôi lồng. Lồng nuôi cá truyền thống được thay thế bằng lồng khung sắt, lưới đã phát huy được tiềm năng mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 4,7 nghìn lồng nuôi cá trên sông, hồ, tăng 3,4 nghìn lồng; sản lượng thu hoạch đạt 11 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần năm 2015, trong đó tập trung phát triển tại các thủy vực lớn kết hợp khai thác thủy lợi.
Nhằm tái tạo nguồn lợi, tăng sản lượng khai thác, hàng năm, ngành nông nghiệp chú trọng xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả cá giống vào các vùng nước tự nhiên với một số loài không có khả năng sinh sản tự nhiên trong hồ. Hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mô hình đồng quản lý nghề cá trên lưu vực hồ Hòa Bình được thực hiện đã khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Ngoài các đối tượng chủ lực như cá rô phi đơn tính, chép lai, trắm cỏ còn có đối tượng nuôi truyền thống như cá trôi, mè và một số loại đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, chiên, nheo, cá hồi, cá tầm. Sản phẩm thu hoạch chủ yếu được tiêu thụ tươi sống tại các chợ trung tâm huyện, thành phố. Một phần sản phẩm được áp dụng hình thức sơ chế, chế biến sản xuất quy mô nhỏ. Các địa phương đã đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng với các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến.
Bên cạnh đó, nhằm tạo sự bền vững, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Theo đó, đã xây dựng hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, tiêu thụ sản phẩm. Để đảm bảo nuôi an toàn đối với sản phẩm thủy sản và tạo được thị trường vững chắc, năm 2016 đã triển khai mô hình sản xuất chuỗi cá sông Đà theo chuỗi giá trị; năm 2017 triển khai dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà theo chuỗi giá trị tại huyện Đà Bắc và TP Hòa Bình. Đồng thời, tổ chức các hình thức quảng bá sản phẩm phù hợp, truyền thông, tiếp thị, hướng dẫn sử dụng, tạo sự hiểu biết đúng về thủy sản; thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chuỗi cá sông Đà. Nhãn hiệu cá, tôm sông Đà Hòa Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, là điều kiện tốt phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Bình Giang