Người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) được sử dụng nước hợp vệ sinh từ các công trình đầu tư trên địa bàn.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 303 công trình cấp nước tập trung được đầu tư, trong đó có 22 công trình hoạt động bền vững, 66 công trình hoạt động bình thường, 92 công trình hoạt động kém hiệu quả và 120 công trình không hoạt động. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 95,38% người dân nông thôn vùng DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng mới có 50,2% hộ sử dụng nước đáp ứng quy chuẩn Việt Nam; trong đó, tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt trên 16%; tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình đạt 34%.
Thực tế cho thấy, các công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đầu tư xây dựng từ lâu, không có nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa nên đã hư hỏng, xuống cấp, làm ảnh hưởng đến hơn 8.400 người dân khi sử dụng nước từ các công trình cấp nước kém bền vững, hơn 79.800 người dân nông thôn không được sử dụng nước từ các công trình cấp nước không hoạt động. Hiện còn khoảng 22.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, cần hỗ trợ; 13,3% số hộ DTTS chưa được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Từ thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo huy động các nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2022 để đầu tư, cải tạo, sửa chữa các công trình. Đặc biệt, trong thời gian tới, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN, đối với Dự án 1, cùng với việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo quan tâm giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân. Mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất, trong đó hỗ trợ 11.408 hộ về nước sinh hoạt phân tán và 120 công trình nước sinh hoạt tập trung cho khoảng 4.300 hộ hưởng lợi, để từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho Nhân dân.
UBND tỉnh đã, đang chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động làm thay đổi nhận thức, hành vi liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường và các công trình cấp nước... Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn theo hướng đồng bộ, áp dụng công nghệ mới, quản lý, vận hành thông minh, đảm bảo bền vững. Đầu tư hệ thống cấp nước sạch quy mô lớn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và phát triển KT-XH, ổn định đời sống dân cư. Những vùng dân cư tập trung, khó khăn nguồn nước cần đầu tư những công trình kết nối, tạo nguồn, dẫn nguồn ổn định.
Đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn phù hợp với các vùng ĐBDTTS&MN đông dân cư, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước. Thúc đẩy phát triển mô hình cấp nước quy mô hộ gia đình trên cơ sở công nghệ xử lý nước tiên tiến, đạt chất lượng nước sạch theo quy chuẩn...
Tỉnh chủ trương cân đối, bố trí kịp thời theo điều kiện thực tế nguồn vốn NSNN qua các chương trình MTQG, hỗ trợ từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn xã hội khác; sử dụng lồng ghép có hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nguồn tự có trong Nhân dân để đầu tư các công trình nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.
Thu Hiền