Tập trung khắc phục hậu quả do rét đậm, rét hại và khôi phục sản xuất

Trước tình hình rét đậm, rét hại làm chết nhiều gia súc, ảnh hưởng đến gieo trồng vụ xuân của nông dân. Thực hiện Công điện số 01/CĐ-UBND của UBND tỉnh về ứng phó, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất… ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau đợt rét kéo dài, giúp nông dân ổn định lại sản xuất. 

 

 

 

 

 

 

 
Nông dân thị trấn Bo (Kim Bôi) bón phân bổ sung giúp giữ ấm cho lúa sinh trưởng tốt.
 
Vừa qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chịu đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất trong năm. Với nhiệt độ xuống dưới 100C kèm theo mưa lạnh đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp và sức khoẻ của người dân. Theo thống kê, tổng số gia súc bị chết do rét trên địa bàn tỉnh hơn 600 con, tập trung ở các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lương Sơn, TP Hoà Bình... Diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại khoảng 15,5 ha. Tại huyện Kim Bôi, qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, diện tích mạ bị chết rét khoảng 2,4 ha; diện tích cây họ bầu bí bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại 19 ha. Về chăn nuôi, có 16 con gia súc bị chết, trong đó có 7 con trâu, 6 con nghé, 2 con bò, 1 con bê.
 
Đồng chí Bùi Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Kim Bôi cho biết: Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất do rét đậm, rét hại gây ra. Dưới sự chỉ đạo của huyện và sự phân công của Trung tâm DVNN, đội ngũ cán bộ chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tới người dân về diễn biến thời tiết, khí hậu để chủ động phòng tránh dịch bệnh, đói, rét cho vật nuôi, cây trồng. Khẩn trương rà soát, thống kê nắm rõ tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có, nguồn thức ăn, nơi di chuyển tránh rét và hướng dẫn các hộ chăn nuôi về công tác phòng tránh. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách tăng cường theo dõi đồng ruộng, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phục hồi sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét kéo dài. 
 
Một số huyện khác như Đà Bắc thiệt hại khoảng 15,5 ha diện tích mạ mới cấy. Mai Châu thiệt hại khoảng 120 cây luồng, 20 cây xoan, 8 cây lát, 20 cây chuối cùng một số cây lâu năm khác; có khoảng 40 ha diện tích dưa hấu đang giai đoạn phát triển bị ảnh hưởng, cục bộ một số diện tích bị chết do rét. Huyện Tân Lạc ngập úng 3 ha lúa, 5 ha ngô đang trong kỳ sinh trưởng.
 
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất do rét đậm, rét hại gây ra, ngày 22/2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND gửi Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, huyện, thành phố, đơn vị về việc ứng phó, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất do rét đậm, rét hại gây ra trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các ngành, đơn vị chuyên môn, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh; tăng cường chỉ đạo các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét cho thủy sản nuôi... Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường cán bộ về cơ sở để chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn nông dân giải pháp chăm sóc cây trồng sau đợt rét đậm, rét hại; phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa rét gây ra. Tổ chức đoàn công tác, bố trí cán bộ chuyên môn xuống xóm, bản kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người dân, vật nuôi, cây trồng; hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm của người dân địa phương... 
 
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Dưới sự chỉ đạo của tỉnh và ngành nông nghiệp, các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây vụ xuân và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách triển khai việc hỗ trợ vật tư, kinh phí giúp người dân, nhất là các hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo để gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin phòng bệnh, khôi phục sản xuất… Tổ chức thống kê thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản do ảnh hưởng bởi giá rét để kịp thời hỗ trợ cho người sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, từ đó khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra... Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 94% diện tích lúa, xuống giống được 35% diện tích trồng ngô, 66% diện tích trồng lạc... Diện tích lúa bị chết, cây trồng bị ảnh hưởng do rét tiếp tục được cấy bổ sung và tăng cường chăm sóc, phục hồi.
 
 
Thu Hằng

 

 

Tác giả: Le Viet Anh
Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/249/163449/Tap-trung-khac-phuc-hau-qua-do-ret-dam,-ret-haiva-khoi-phuc-san-xuat.htm
Tin liên quan