Agribank sẵn sàng bứt phá cho nấc thang phát triển vươn tầm nông thôn mới kiểu mẫu của Việt Nam

KTNT Chung tay cùng cả nước, Agribank luôn bám sát chủ trương lớn, trọng tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện vai trò tiên phong, đầu tàu, tập trung ưu tiên nguồn vốn thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, góp phần thay đổi từng ngày trên mỗi làng quê.

Diện mạo nông thôn thay đổi

Được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, đến nay,  Thống Nhất (Đồng Nai) đã có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2024…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thống Nhất cho biết: "Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới 2010 thì giá trị thu nhập bình quân đầu người ở huyện khoảng 11,4 triệu đồng/năm, hiện nay thu nhập bình quân 2019 đã là 61,5 triệu đồng/người/năm, thứ hai là giá trị sản xuất ngành cũng tăng lên. Đến nay đạt 128,4 triệu đồng cho 1 ha đất trồng trọt. Tốc độ tăng bình quân là 7,79 lần trong 10 năm. Đó là riêng trồng trọt, chứ chăn nuôi thêm thì bình quân cho 1 ha ngành nông nghiệp tăng lên trên 300 triệu đồng".

Nhiều mô hình làm kinh tế của người nông dân gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, lại được sự hỗ trợ về nguồn vốn nên đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Trang trại của gia đình ông Phạm Văn Ngữ ở xã Gia Tân 2 hiện nuôi hơn 400 con bò, 200 con nai, 6000 con cá sấu nuôi lấy thịt và hàng ngàn con cá sấu đẻ. 10 năm trở lại đây, nhờ nguồn vốn vay theo Nghị định 55 dành cho phát triển nông nghiệp nông thôn, có lúc ông Ngữ vay được 20 tỷ từ ngân hàng để phát triển đàn gia súc, mở rộng quy mô trang trại. 

Có được trang trại lớn như ngày hôm nay, ông Ngữ được sự trợ giúp rất lớn bởi nguồn vốn vay từ Agribank. Năm 1987, sau khi tích lũy được một khoản vốn liếng nhờ làm bột dong rồi sửa chữa, mua bán máy móc nông nghiệp, ông Ngữ bắt đầu mua đất để làm nông. Lúc đầu, ông mua 5 ha, rồi tăng lên thành 10 ha. Sau một thời gian, ông bán chỗ đất đó và mua 100 ha ở một nơi khác. Từ đó, ông bắt đầu vay vốn từ Agribank để mua thêm đất, mở rộng quy mô trang trại. Có thời điểm, ông có tới gần 150 ha đất nông nghiệp, và dư nợ vay của Agribank lên tới trên 20 tỷ đồng.

“Tôi nghĩ vốn ngân hàng luôn luôn là nền tảng trong vấn đề phục vụ cho nông nghiệp, nhất là những người chăn nuôi như chúng tôi. Nếu không có vốn ngân hàng trong suốt thời gian dài nhiều năm nay thì có nhiều lúc mình đã chao đảo. Nếu cần thì mình mượn vốn vào ngân hàng có thể đáp ứng bởi vì mình có tài sản thế chấp. Lãi suất thấp và có ưu đãi rồi cộng với sự cố gắng của mình nữa thì nếu không có vốn ngân hàng thì mình không phát triển được", ông Ngữ cho biết.

Huyện Thống Nhất là một trong nhiều huyện trong cả nước có dấu ấn của Agribank với những đóng góp nhất định vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân khu vực nông thôn, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại Việt Nam đưa phong trào xây dựng NTM về đích sớm hơn so với thời gian mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và kế hoạch Quốc hội giao.

Căn cứ vào các đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt của từng địa phương, nắm bắt nhu cầu vốn tín dụng, ngân hàng chủ động xây dựng phương án cụ thể để đầu tư tín dụng trên địa bàn xã thí điểm. Agribank đã tổ chức khảo sát tình hình kinh tế-xã hội tại các địa phương, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá những thế mạnh, hạn chế của từng địa phương. Qua đó nắm được nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, các chi nhánh để có giải pháp mở rộng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để phát triển kinh tế trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các ban, ngành liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền chính sách tín dụng, các sản phẩm, dịch vụ của Agribank.

Sau gần 10 năm thực hiện cho vay thí điểm chương trình MTQG nông thôn mới, Agribank đã thực hiện cho vay với doanh số đến nay là 2.868.290 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 2.387.151 tỷ đồng, dư nợ là 481.138 tỷ đồng, tại 8.939 xã với 2.620.578 khách hàng. Trong đó tập trung chủ yếu vào vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Về cơ bản, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, nợ xấu ở mức thấp, kiểm soát được và luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành. Từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn đạt 70% tổng dư nợ, chiếm trên 50% trong tổng mức cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng. Nguồn vốn vay của Agribank tập trung chủ yếu vào các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương, bám sát 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hướng đến một nông thôn kiểu mẫu

Trở lại Đan Phượng đúng thời gian huyện đang triển khai việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Một lần nữa, Đan Phượng lại tiên phong về xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội.

“Trên địa bàn huyện chúng tôi có rất nhiều ngân hàng thương mại. Nhưng người dân vẫn tin tưởng vào ngân hàng nông nghiệp (Agiribank) nên khi cần vay vốn thường tìm đến Agribank Đan Phượng. Thêm nữa, các nguồn tiền nhàn rỗi cũng gửi Ngân hàng Nông nghiệp. Điều đó thể hiện lòng tin của người dân vào Agribank trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Nguyễn Thạc Hùng tâm sự.

Ông Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ, huyện đã quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh lớn như vùng hoa, trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Chúng tôi đã được Agribank hỗ trợ, tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động trên địa phương, đời sống nâng cao, giải quyết việc làm. Con đường đạt nông thôn mới kiểu mới nâng cao không còn xa.

Dấu ấn mười năm cũng là sự khởi đầu của một nhiệm kỳ mới (2020 - 2025), đánh dấu nấc thang phát triển mới đưa mô hình nông thôn Việt Nam lên một mức cao hơn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với chú trọng phát triển kinh tế, làng nghề truyền thống, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm… Tuy nhiên, trước một đích đến mới cũng là thách thức lớn đòi hỏi sự tập trung, quyết liệt của tất cả mọi nguồn lực để có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiến tới thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. 

Với phương châm “Nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”, Agribank đang nỗ lực từng ngày đổi mới theo hướng hiện đại, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, áp dụng ngân hàng số để phục vụ nhiều tiện ích cho khách hàng, đặc biệt đối tượng khách hàng tại địa bàn nông thôn.

Một trong những điểm mới trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng, Nhà nước ta khẳng định đó là phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Trong những năm qua, Agribank được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và các chương trình mục tiêu quốc gia. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank luôn chiếm tỷ trọng khoảng 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, chiếm 40% thị phần cho vay nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, tín dụng Agribank “phủ kín” đến 100% số xã trên cả nước. Agribank còn được biết đến là tổ chức tín dụng luôn phát huy vai trò tích cực trong phát triển kinh tế biển, là ngân hàng duy nhất có phòng giao dịch tại 9/13 huyện đảo, hỗ trợ cho 24.000 tàu cá ở 28 địa phương ven biển, phát triển đội tàu công suất lớn hiện đại đánh bắt xa bờ…

Với vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, hoạt động của Agribank thực sự gắn với làng bản, xóm thôn và gần gũi với bà con nông dân. Đồng vốn của Agribank đã tạo thêm nghề mới, khôi phục các làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ…Agribank đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết, hỗ trợ vốn đắc lực cho hộ nông dân vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên những thành tựu nổi bật về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. 

 

 Với vai trò tiên phong, chủ lực trong chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, NHNN thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống và mang lại lợi ích tối đa cho các đối tượng được thụ hưởng, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội, hơn bao giờ hết, vai trò “bà đỡ” trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn của Agribank càng quan trọng, là động lực để Agribank dành nhiều tâm huyết và đóng góp tích cực hơn nữa cho địa bàn “Tam nông”, giúp người dân tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa các vùng quê Việt Nam ngày càng phát triển bền vững và thịnh vượng.

Tác giả: Thi Nhân
Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/agribank-san-sang-but-pha-cho-nac-thang-phat-trien-vuon-tam-nong-thon-moi-kieu-mau-cua-viet-nam-post49417.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật