Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển đánh giá, việc TP. Hồ Chí Minh chuyển sang trạng thái bình thường mới từ ngày 1/10 là hướng phù hợp và sẽ tác động tích cực tới hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp ngay thời điểm này cần bố trí lại hoạt động để thích nghi với những quy định mà Thành phố đưa ra.
Sẵn sàng cho giai đoạn bình thường mới |
Trên thực tế, sau thời gian kéo dài giãn cách, doanh nghiệp rất trông chờ ngày được hoạt động trở lại và đều có những phương án sẵn sàng. Cụ thể, với doanh nghiệp sản xuất cơ khí, ông Nguyễn An Khang - Phó giám đốc Công ty TNHH Khuôn chính xác Duy Tân cho biết, để chuẩn bị cho việc nới lỏng giãn cách Duy Tân đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin cho công nhân. Tới nay, 50% công nhân của công ty đã tiêm mũi 2 và 50% còn lại đã được tiêm đầy đủ mũi 1. Với số lượng được tiêm chủng này công ty sẽ bố trí lại nhân sự như đối với người tiêm đủ 2 mũi sẽ được đi về còn người tiêm 1 mũi sẽ ở lại công ty. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn hàng cho sản xuất, công ty sẽ kết hợp với nhà cung cấp và công ty mẹ nhằm đặt hàng với số lượng lớn giúp đối tác giao nhận được thuận lợi hơn. “Tùy theo tình hình tiêm chủng vắc xin cũng như nới lỏng giãn cách của các địa phương mà chúng tôi sẽ linh hoạt các phương án phù hợp”- ông Khang chia sẻ.
Trong khi đó với ngành hàng xuất khẩu, ông Phan Văn Có- Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho hay, hiện công ty đã khởi động trở lại, tuy nhiên do thiếu lao động nên Vrice đã chọn giải pháp chuyển container từ TP. Hồ Chí Minh xuống Cần Thơ đóng hàng, sau đó chuyển ngược lại Thành phố để xuất khẩu. Ông Có cho biết, với giải pháp này sẽ tốn gấp đôi chi phí so với trước đây song sẽ đáp ứng được những đơn hàng xuất khẩu đã tồn đọng hơn 2 tháng nay.
Tương tự, với doanh nghiệp rau quả, theo ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện tại các doanh nghiệp ngành rau quả đều đã chuẩn bị sẵn các phương án theo từng mức độ mà TP. Hồ Chí Minh cho phép được hoạt động trở lại. Cụ thể, từ ngày 1/10 nhiều doanh nghiệp đã bố trí cho công nhân tiêm đủ vắc xin 2 mũi và 1 mũi được đi làm lại theo quy định của Thành phố, các doanh nghiệp cũng sẵn sàng phương án hoạt động tăng công suất hơn nếu Thành phố tiếp tục nới lỏng giãn cách thêm.
Nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Mihn đã rục rịch trở lại làm việc từ ngày 1/10 |
Đối với ngành chuyển phát, các đơn vị cũng gấp rút chuẩn bị kế hoạch cụ thể cho đội ngũ nhân viên trở lại làm việc, tái hoạt động một số bưu cục và sẵn sàng cho đội ngũ shipper trở lại hoạt động tối đa. Chẳng hạn J&T Express đã và đang triển khai một số phương án tái hoạt động cho đội ngũ nhân sự và sẵn sàng trở lại hoạt động bình thường theo hướng dẫn của chính quyền thành phố. Đối với khối giao nhận - lực lượng shipper của J&T Express, mỗi nhân sự được cấp phép hoạt động phải có dấu hiệu nhận biết riêng: nhận diện bằng mã QR code, bảng tên bằng thẻ cứng, đeo băng tay, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Bà Kiều Thị Tiên Dung - Giám đốc nhân sự của J&T Express - cho biết, doanh nghiệp đang chờ chỉ đạo mới nhất từ cơ quan chức năng đồng thời gấp rút triển khai hoạt động tiêm phòng vắc xin cho cán bộ công nhân viên để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Theo đó, cho tới ngày 29/9, có 95% shipper ở khu vực TP. Hồ Chí Minh được triển khai tiêm mũi 1 và việc tiêm mũi 2 dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất. “Hiện tại có 65% shipper, 80% bưu cục J&T Express tại TP. Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại. Nếu trong tháng 10, Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng cường lực lượng shipper đã đủ điều kiện hoạt động lên mức tối đa có thể trong điều kiện cho phép”- bà Dung chia sẻ thêm.
Mặc dù nhiều hoạt động của TP. Hồ Chí Minh đang trở lại trạng thái bình thường mới song bà Lê Bích Loan - Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) nhận định, trong những tháng còn lại của năm 2021, hoạt động các doanh nghiệp sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, SHTP sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định, đảm bảo giá trị sản xuất cả năm 2021 trên địa bàn giảm ở mức tối thiểu, khoảng từ 10- 15% so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn giữ giá trị sản xuất đạt 22,5 tỷ USD.
Về phía chính quyền Thành phố, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, lãnh đạo Thành phố cần sớm làm việc với các địa phương xung quanh để thống nhất phương án thông thương giữa các tỉnh. Việc này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đưa đón công nhân trở lại làm việc mà còn giúp lưu thông hàng hóa được thuận lợi, từ đó sớm khôi phục kinh tế cho TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh.
Thùy Dương - Ngọc Thảo