Doanh nghiệp về nông thôn giải quyết việc làm tại chỗ

Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất có xu hướng dịch chuyển về vùng nông thôn để chủ động nguồn lao động. Nhiều dự án đi vào hoạt động phát huy hiệu quả cao, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương trong tỉnh.

Nhà máy may Hồ Gươm trên địa bàn xã Phong Phú (Tân Lạc) giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Nhà máy may Hồ Gươm của Tập đoàn Hồ Gươm tại địa bàn xã Phong Phú, huyện Tân Lạc đi vào hoạt động khoảng 2 năm nay, thu hút hàng trăm lao động, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH của các xã trong khu vực. Bí thư Đảng uỷ xã Phong Phú Bùi Thị Khuyên cho biết: Theo ước tính sơ bộ, nhà máy may giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động của xã, thu nhập xấp xỉ 6 triệu đồng/người/tháng. Từ khi nhà máy và các cơ sở sản xuất trên địa bàn đi vào hoạt động, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương rất tích cực. Lao động được ở gần nhà, sáng đi làm, chiều về, thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp, nhiều vấn đề xã hội cũng được giải quyết. Hiện nay, nhà máy tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng nhà xưởng số 2, có thể thu hút thêm khoảng 800 lao động.

Nhà máy dệt kim Supertex được quy hoạch xây dựng trên địa bàn xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc với quy mô 6,5 ha. Chính quyền huyện phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các thủ thủ tục cần thiết, xây dựng nhà xưởng. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động vào cuối năm nay sẽ tạo việc làm cho khảng 1.300 lao động địa phương. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch tuyển dụng lao động, tổ chức đào tạo để có thể bắt tay vào sản xuất.

Không chỉ ở huyện Tân Lạc, các doanh nghiệp được tạo điều kiện triển khai dự án và đi vào hoạt động ở các địa phương khác cũng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững. Huyện Lạc Sơn đất rộng, dân đông, tỷ lệ lao động thiếu việc làm hàng năm lớn. Tuy nhiên, những năm qua, địa phương đã có nhiều giải pháp hiệu quả thu hút đầu tư vào địa bàn, giải quyết việc làm cho lao động. Từ chỗ là huyện thuần nông, Lạc Sơn dần thoát khỏi vùng trũng về thu hút đầu tư của tỉnh. Nhiều năm trước, huyện đã có 1 công ty Nhật Bản mở cơ sở sản xuất và đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định. Đến nay, huyện thu hút được 15 dự án đầu tư, trong đó 7 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tuyển dụng lao động…

Hiện, tại huyện Lạc Sơn có nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt như Công ty TNHH Thiên Diệu đang nghiên cứu triển khai 2 dự án đầu tư, trong đó nhà máy sản xuất giày da trên địa bàn xóm Hổ, xã Ân Nghĩa có tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Công ty TNHH nhựa Lạc Sơn chính thức đi vào hoạt động năm 2021 với ngành nghề kinh doanh đồ chơi trẻ em, doanh nghiệp hiện thu hút trên 1.000 lao động với mức lương bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng… Tới đây, khi các dự án tiếp tục đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1 vạn lao động địa phương. Theo lãnh đạo huyện Lạc Sơn, chỉ cần 1 gia đình có 1 người làm trong nhà máy với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, nhà có 4 - 5 người là có thể thoát nghèo, vì theo chuẩn nghèo mới thu nhập 1,5 triệu đồng/người/ tháng là thoát nghèo; nếu cả 2 vợ chồng làm trong nhà máy có thể trở thành hộ khá. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đi vào hoạt động cũng tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước của địa phương. Đây cũng là hướng giải quyết việc làm, thu hút đầu tư của huyện để cụ thể hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Những năm gần đây, việc thu hút doanh nghiệp về nông thôn mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là đối với địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Theo nhà quản lý, hiện các doanh nghiệp tại khu công nghiệp ở nhiều nơi đứng trước tình trạng khan hiếm lao động. Việc doanh nghiệp triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở tại nông thôn đang là xu hướng. Các địa phương cần nắm bắt xu thế này, cùng với cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch. Khi có các nhà máy may mặc, điện tử, gia công đi vào hoạt động sẽ giải quyết áp lực việc làm ở nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

 

Lê Chung

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/177840/Doanh-nghiep-ve-nong-thon-giai-quyet-viec-lam-tai-cho.htm
Tin liên quan