Theo Sở Công Thương Quảng Bình, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2021 tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 3,7% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 7,7%. Sau thời gian cơ bản khống chế được dịch bệnh, hiện nay trên địa bàn, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chuyển sang hoạt động trong điều kiện mới, hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt đầu ổn định.
Doanh nghiệp sản xuất may mặc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình |
Một số lĩnh vực như: sản xuất điện - nước, sản xuất trang phục, sản xuất tinh bột sắn, phân bón, xi măng và clinker đang phục hồi nhanh và có tăng trưởng khá, đến nay sản xuất đạt gần 80% so với trước dịch; trong đó lĩnh vực sản xuất trang phục đã đạt trên 90% công suất so với trước dịch. Các lĩnh vực khác: chế biến gỗ xuất khẩu, chế biến hải sản xuất khẩu, kính cường lực, cơ khí… đạt khoảng 60% công suất so với trước dịch…
Ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình- chia sẻ, hiện tại đã có gần 80% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên các đơn vị hiện nay đang gặp khó khăn do thiếu lao động, thiếu nguyên liệu sản xuất và hiện tại trên địa bàn đã chuyển sang mùa mưa bão nên hoạt động sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình- cho hay, đến hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước (giãn, giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ; giảm, giãn và miễn các loại thuế; giảm tiền thuê đất; hoãn đóng BHXH, BHYT; giảm tiền điện, hỗ trợ người lao động do dịch…). Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc bởi các hồ sơ thủ tục hành chính.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vaccine của người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đạt thấp. Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, các doanh nghiệp không đủ lao động để đáp ứng tiến độ sản xuất, ảnh hưởng đến thời gian giao hàng theo hợp đồng; có doanh nghiệp bị phạt vi phạm hợp đồng do không bảo đảm tiến độ giao hàng, hoạt động sản xuất gặp khó khăn.
"Đồng thời, doanh nghiệp gặp khó khăn trong vận chuyển, lưu thông nguyên liệu, phụ liệu và hàng hóa thành phẩm do dịch Covid-19; chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng cao dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp không có lãi. Phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm"- ông Nam chia sẻ thêm.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Bình, Sở đang tiến hành nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tham mưu lãnh đạo Sở phối hợp các ngành liên quan làm việc với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh.
Hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp xây dựng phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo dõi, nắm bắt tình hình của doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề quan trọng của chuỗi sản xuất kinh doanh, báo cáo đề xuất UBND tỉnh để tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Xây dựng và triển khai Kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong điều kiện mới.
Thành Long