Sàn Temu vẫn chưa được phép hoạt động tại Việt Nam

Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về thời điểm sàn thương mại điện tử Temu hoạt động trở lại tại Việt Nam.

Chỉ cấp phép khi hồ sơ đầy đủ, hợp lệ

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương sáng ngày 10/2, ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết: Temu vẫn trong thời gian chờ xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Theo quy định, khi nền tảng thương mại này hoàn thiện đủ và hợp lệ hồ sơ mới xem xét cấp phép hoạt động.

Năm 2024, Temu gây “náo loạn” thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam khi đưa ra hoạt động khuyến mãi “khủng” giảm giá đến 70%, 80% thậm chí 90%. Ngoài ra, Temu còn cung cấp cho khách hàng cơ hội kiếm được "tín dụng", sau đó chuyển thành các giao dịch mua trong tương lai, đi kèm là quà tặng miễn phí. Phần trò chơi cũng hiển thị hàng loạt ưu đãi nếu người dùng đăng ký thành công Temu.

Sàn thương mại điện tử Temu vẫn chưa được phép hoạt động tại Việt Nam
Sàn thương mại điện tử Temu hiện vẫn chưa được phép hoạt động tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải thực hiện việc đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công Thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện ủy quyền của mình tại Việt Nam.

Tuy nhiên qua rà soát, sàn thương mại điện tử Temu chưa được cấp phép tại Việt Nam. Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã liên hệ và làm việc với Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd - chủ sở hữu nền tảng Temu để yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật về thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) về thương mại điện tử.

Ông Hoàng Ninh cho biết, sau khi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động làm việc, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đã triển khai thực hiện một số biện pháp theo yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, như: Tạm dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam (không sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt khi cung cấp dịch vụ trên website Temu.com và ứng dụng di động Temu). Nộp hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn)…

Đồng thời gỡ bỏ các chương trình khuyến mại chưa tuân thủ quy định pháp luật về xúc tiến thương mại theo pháp luật của Việt Nam. Toàn bộ sản phẩm, hàng hóa có khuyến mại trên 50% được gỡ bỏ theo quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại và pháp luật có liên quan khác; bỏ các chương trình, mô hình kêu gọi người dùng tham gia kinh doanh để được hưởng các khoản thưởng và hoa hồng khác nhau tại thị trường Việt Nam…

Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thêm, sau khi Temu tạm dừng hoạt động, các đơn hàng đã đặt cũng bị ngừng giao về Việt Nam. Ứng dụng này được yêu cầu thông báo xin lỗi và thực hiện chính sách hoàn tiền cho khách hàng. Đến thời điểm này, Temu đã hoàn toàn bộ số tiền cho cho khách hàng theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

Siết chặt hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 khi đóng góp hơn 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên vấn đề được người tiêu dùng nghi ngại là giá cả và chất lượng hàng hóa tại các sàn thương mại điện tử.

Trên thực tế, cơ quan chức năng cũng nhận định việc quản lý thương mại điện tử còn chưa chặt chẽ, nhất là các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo Bộ Công Thương, nội dung quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP cơ bản đã bao quát được các quy định về thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài, tuy nhiên lại chưa có quy định chế tài ràng buộc đủ mạnh đối với nền tảng xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chưa có quy định phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước liên quan như hải quan, thuế, quản lý thị trường trong quá trình thực thi; chưa có quy định phối hợp trong quản lý và giám sát chất lượng hàng hóa, quản lý thanh toán số hay các hệ sinh thái hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới...

Mặt khác, cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử. Điều này dẫn đến thiếu sự quản lý và giám sát đối với mô hình trung gian. Nếu không có quy định rõ ràng về trách nhiệm của đơn vị trung gian, các tổ chức cung cấp dịch vụ hạ tầng và hỗ trợ thương mại điện tử có thể không tuân thủ đầy đủ quy định về bảo mật, chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến môi trường giao dịch không an toàn, gây khó khăn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc tham gia vào hoạt động thương mại điện tử…

Trước thực tế này, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Luật Thương mại điện tử và dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Dự thảo luật đã đưa ra thêm biện pháp quản lý, trong đó quy định rõ về các hình thức hoạt động thương mại điện tử, chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, đẩy mạnh phân cấp phân quyền; yêu cầu thêm trách nhiệm với chủ sàn thông tin hàng hóa, dịch vụ và phân loại hàng hóa trong nước hay nước ngoài bán trên nền tảng, cung cấp thông tin định kỳ, báo cáo về tình hình kinh doanh trên nền tảng…

Đặc biệt, người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng được quy định cụ thể.

Trước đó, tại Nghị quyết 09/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên sàn thương mại điện tử thông qua VneID.

"Đây không chỉ là giải pháp nâng cao quản lý và kiểm soát nguồn hàng, chất lượng hàng hoá, giao dịch trên môi trường không gian mạng, mà còn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp truy xuất nguồn gốc người bán, giảm nguy cơ lừa đảo, bán hàng giả. Người mua hàng từ đó thêm căn cứ để tin tưởng vào người bán, giảm thiểu rủi ro gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc các hành vi lừa đảo", lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ.

Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
 
Tác giả: Tâm An
Nguồn: https://congthuong.vn/san-temu-van-chua-duoc-phep-hoat-dong-tai-viet-nam-373106.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật