Khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp sạch

Dám nghĩ, dám làm, chị Bùi Thị Châm, hội viên Chi hội phụ nữ xóm Láu Ráy, xã Bình Sơn (Kim Bôi) đã lựa chọn trở về quê hương lập nghiệp sau thời gian lao động tại nước ngoài. Nhờ nguồn vốn tích lũy và không ngừng học hỏi, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp, phát triển chăn nuôi gắn với trồng trọt theo hướng sản xuất sạch, tuần hoàn.

Chị Bùi Thị Châm, xóm Láu Ráy, xã Bình Sơn (Kim Bôi) chăm sóc đàn gà.
Với diện tích 7 ha, vợ chồng chị Châm tận dụng triệt để tiềm năng sẵn có để phát triển đa dạng mô hình kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất các sản phẩm truyền thống. Từ nguồn bã rượu sau nấu, gia đình chị kết hợp với cỏ voi, thân cây chuối, ngô, sắn để làm thức ăn chăn nuôi. Gia đình áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường và chất lượng đầu ra. Trung bình mỗi năm gia đình chị nuôi 2 lứa gà với khoảng 1.000 - 1.200 con; riêng năm 2024 đã nuôi thành công 5.000 con gà thịt. Bên cạnh đó, đàn lợn rừng lai được duy trì ổn định, nuôi 1 lứa/năm theo tiêu chuẩn sạch, đảm bảo chất lượng đầu ra. Không dừng lại ở đó, chị tận dụng diện tích để trồng cỏ nuôi cá và sử dụng phân chuồng chăm sóc cây trồng, tạo thành quy trình khép kín, tiết kiệm chi phí mà vẫn hiệu quả. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình dao động từ 300 - 500 triệu đồng.
 
Điểm nổi bật trong mô hình của gia đình chị Châm là sự sáng tạo và kiên trì giữ gìn giá trị sản phẩm truyền thống. Chị sản xuất rượu ngô men lá - một loại rượu đặc trưng của vùng cao, đồng thời mở rộng sản phẩm rượu gạo, nếp cái hoa vàng, nếp cẩm, rượu ngâm với nguyên liệu tự nhiên là ngô tím, ngô ngọt, ổi, sáp ong… Nhờ áp dụng quy trình sản xuất khép kín, kết hợp tận dụng phụ phẩm để làm thức ăn chăn nuôi, mô hình của chị Châm không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn thân thiện với môi trường.
 
Luôn chịu khó học hỏi và sáng tạo, vợ chồng chị Châm vừa giỏi sản xuất, vừa năng động trong tiêu thụ sản phẩm. Nhận thấy xu hướng tiêu dùng hiện nay ưu tiên sản phẩm sạch, tiện lợi, chị đã đầu tư sơ chế sản phẩm tại nhà như: làm sạch, hút chân không, đóng gói để bán ra thị trường. Đặc biệt, sản phẩm gà thịt của gia đình đã nhận được sự tin tưởng, phản hồi tích cực từ khách hàng.
 
Không ngại đổi mới, hai vợ chồng còn chủ động xây dựng các kênh quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Nhờ vậy, thương hiệu "gà sạch Luân Châm” từng bước được khẳng định.
 
Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, chị Châm bộc bạch: "Tôi mong muốn được học hỏi thêm kiến thức kỹ thuật, thị trường để tiếp tục mở rộng chăn nuôi, đa dạng mặt hàng như gà ủ muối, rượu ngâm đặc sản; mở rộng diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ, tăng số lượng vật nuôi. Bên cạnh đó, gia đình tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển bao bì và truyền thông sản phẩm tới phân khúc khách hàng yêu thích đặc sản truyền thống. Chị cũng hướng tới làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP và lên kế hoạch kết hợp mô hình sản xuất với phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp.
 
Đồng chí Quách Thị Điểm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kim Bôi đánh giá: "Chị Bùi Thị Châm là điển hình phụ nữ nông thôn trẻ biết tận dụng vốn, công sức và lợi thế địa phương để vươn lên làm kinh tế giỏi. Hội LHPN huyện luôn khuyến khích, tạo điều kiện để những mô hình như của chị Châm được nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới và lan tỏa tinh thần phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương”.
 
 
Hồng Duyên
 
 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/200454/Khoi-nghiep-tu-mo-hinh-nong-nghiep-sach.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật