Khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt, địa phương đang dẫn đầu tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP.
Đạt kết quả tích cực
Đến nay, Bố Trạch có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, kinh tế hộ phát triển, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, an ninh trật tự được đảm bảo. Toàn huyện có 16/25 xã đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã đạt 16,88/19 tiêu chí; 3 xã trên lộ trình cán đích NTM nâng cao (Bắc Trạch đạt chuẩn 14/14 tiêu chí, Đại Trạch 13/14 tiêu chí; Thanh Trạch 12/14 tiêu chí); 9 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 7 vườn mẫu. Đặc biệt, Bố Trạch được tỉnh Quảng Bình công nhận 37 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong đó có 33 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đề ra 7 sản phẩm). Năm 2022, huyện phấn đấu có thêm 10 sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch, cho hay, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.
Năm 2021 là năm đầu tiên huyện triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành Nông nghiệp huyện Bố Trạch phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trên gia súc; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch đã làm tốt công tác tham mưu theo hướng chủ động, đổi mới cách làm, triển khai tích cực các nhiệm vụ được giao, nỗ lực chỉ đạo phát triển sản xuất... Sản xuất nông nghiệp toàn huyện tiếp tục trở thành bệ đỡ kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Phát triển đa ngành
Kinh tế phát triển, Bố Trạch có điều kiện hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, tạo việc làm và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Các mô hình có giá trị kinh tế cao được huyện nhân rộng, sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi, gắn với công nghiệp chế biến và liên kết thị trường, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng vùng.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm đặc sản chất lượng cao…, tạo bước đột phá mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; kích cầu xây dựng sản phẩm OCOP bằng chính sách hỗ trợ cho các cơ sản xuất có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên (mức hỗ trợ từ 5 đến 15 triệu đồng/sản phẩm); hỗ trợ xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng đối với các cơ sở kinh doanh (như: siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi...) có diện tích kinh doanh từ 70m2 trở lên để phục vụ tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông - lâm - ngư.
Đồng thời, gắn sản phẩm nông sản OCOP với phát triển dịch vụ du lịch. Tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao chất lượng XDNTM.
Song song đó, huyện đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để quản lý chất lượng nông - lâm sản, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm. Vì vậy, số mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng công nghệ cao ngày càng nhiều, điển hình như: HTX sản xuất nấm sạch và KDNN Tuấn Linh nhân giống và trồng nấm; HTX nông nghiệp An Nông, HTX sản xuất rau an toàn và dịch vụ NN Dũng Na, Công ty TNHH phát triển dự án Việt Nam Trang trại Nông nghiệp công nghệ cao Dream farm, Công ty TNHH xuất nhập khẩu ViệtKing, HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An, hộ gia đình ông Bế Văn Mai, ông Dương Quốc Toàn ứng dụng công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…
Nhiều sản phẩm nông sản trên địa bàn đã tạo dựng được thương hiệu, chỗ đứng bền vững trên thị trường trong và ngoài nước, nổi bật là sản phẩm: cao cà gai leo Thanh Bình của HTX sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm; trà túi lọc cà gai leo HNT của Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Quảng Bình; hạt tiêu Phú Quý của HTX Nông nghiệp Phú Quý; các loại nấm của HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh... Ngoài ra, còn có một số sản phẩm mới bước đầu tạo được uy tín, như: tinh dầu sả Như Oanh (xã Nam Trạch), miến gạo sâm Bố Chính (xã Mỹ Trạch), muối Kosal (xã Vạn Trạch), nước mắm chay Tuấn Linh (xã Sơn Lộc)... Từ đó, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập khá cao cho hàng ngàn lao động.
Xã Lý Trạch cán đích NTM năm 2020, từ chỗ chỉ trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ thì nay hình thành những trang trại, gia trại; phát triển rừng, nuôi trồng thủy sản… Toàn xã có gần 50ha đất nông nghiệp, trở thành vùng trồng hoa tập trung quy mô lớn, luân canh tăng vụ quanh năm, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân tại địa phương.
Sơn Lộc cán đích NTM năm 2021, là xã miền núi, dân cư thưa thớt chỉ có 760 hộ với trên 2.600 nhân khẩu sinh sống tại 5 thôn. Nhờ định hướng đúng đắn trong chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, từ địa phương khó khăn, đến nay, Sơn Lộc có những bước chuyển tích cực, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, bà con có điều kiện sửa sang, xây dựng nhà cửa, góp công, góp sức XDNTM.
Năm 2021, Bố Trạch có thu nhập bình quân đạt 51,2 triệu đồng/người. 19/25 xã đạt tiêu chí thu nhập (chiếm 76%). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 5,76% (hộ cận nghèo chỉ còn 4.37% ), huyện có 20/25 xã đạt tiêu chí (đạt 80%). Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân Bố Trạch ngày càng được nâng cao.