Nỗ lực cứu lúa và các loại cây trồng sau bão

Do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3, tính đến ngày 14/9, toàn tỉnh bị thiệt hại trên 7.300 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây hàng năm và lâu năm… Hiện, chính quyền và nông dân các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, nỗ lực cứu diện tích lúa vụ mùa, hoa màu ngập úng nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.

 

Lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ nông dân thôn Bến Cuối, xã Trung Sơn (Lương Sơn) thu hoạch lúa đã chín bị đổ sau bão số 3.

Tranh thủ trời tạnh ráo, nông dân một số xã, thị trấn ở huyện Lạc Thuỷ bắt đầu thu hoạch diện tích lúa vụ mùa. Bà Bùi Thị Luận, thôn Đồi, thị trấn Ba Hàng Đồi cho biết: Sau bão số 3, phần lớn diện tích lúa của gia đình bị ngập và đổ. Mấy ngày nay gia đình thu hoạch lúa để hạn chế tối đa thiệt hại. Việc thu hoạch hoàn thành sớm nhờ có sự trợ giúp của các lực lượng tại địa phương như chị em trong Chi hội phụ nữ thôn, Hội LHPN thị trấn, Chi hội nông dân, Lữ đoàn 72…

Theo đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thuỷ, ảnh hưởng do bão và hoàn lưu bão số 3, toàn huyện bị đổ gãy trên 480 ha lúa, đổ gãy và ngập úng khoảng 204,5 ha ngô, 51ha cây ăn quả, trên 178ha rau màu các loại bị thiệt hại… Hiện tại, một số khu vực thuộc thị trấn Ba Hàng Đồi, Chi Nê, xã Khoan Dụ nước còn ngập trên các cánh đồng do mực nước sông Bôi vẫn ở mức cao. Để kịp thời khắc phục hậu quả sau mưa bão, phòng chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo đơn vị chức năng và khuyến cáo người dân tập trung khôi phục sản xuất, chăm sóc cây trồng, nhất là với diện tích lúa vụ mùa đến thời kỳ thu hoạch. Với các diện tích rau, màu bị mất trắng, sau khi nước rút, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng và làm đất sau khi nước rút để chuẩn bị sản xuất vụ đông. Các diện tích cây trồng không bị ảnh hưởng tiếp tục được nông dân tăng cường chăm sóc, phòng bệnh bởi nguy cơ phát sinh các loại dịch hại sau bão rất cao…

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến ngày 14/9, 7.301ha lúa và cây trồng các loại trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Trong đó, diện tích thiệt hại lớn nhất là các huyện: Kim Bôi 1.470,6 ha; Lương Sơn 1.352,3ha; Yên Thủy 1.230,93ha; Lạc Thủy 984,28ha… Tại một số địa phương, lúa đã chín và có thể thu hoạch. Do đó bà con tập trung đẩy nhanh tiến độ, tránh để lúa ngâm nước lâu và lên mầm. Để chủ động các biện pháp khôi phục sản xuất trồng trọt kịp thời sau bão, Sở NN&PTNT có Công văn số 2736/SNN-TTBVTV về việc tập trung khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất trồng trọt sau bão số 3. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã triển khai phổ biến, hướng dẫn người sản xuất thực hiện tập trung vào một số nội dung: Đối với diện tích lúa bị ngập úng, đổ ngã, khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, không để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày, nhằm hạn chế lúa bị mọc mầm và các nấm gây bệnh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo. Với diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch, có tỷ lệ hạt chín trên bông >85% tiến hành thu hoạch ngay với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại. Diện tích đang giai đoạn trỗ - chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa, phun bổ sung phân bón lá.

Với các diện tích rau màu và cây hàng năm khác, khẩn trương khơi thông dòng chảy, rãnh thoát nước trên ruộng còn đang bị ngập; mở nilon phủ luống cho cây thông thoáng. Diện tích rau màu bị ngập úng nhẹ, có khả năng phục hồi cần tiến hành chăm sóc, xới mặt luống để tạo độ thông thoáng, dọn sạch tàn dư những cây bị hỏng, trồng dặm đảm bảo mật độ; phun, tưới thuốc phòng trừ nấm bệnh hại. Còn với diện tích bị ngập úng nặng không có khả năng phục hồi, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, lựa chọn các cây rau màu có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ tốt phù hợp với khung lịch thời vụ để gieo trồng lại khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

Trên các diện tích cây ăn quả, khẩn trương xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang các gốc cây, gây hiện tượng úng cục bộ, hạn chế đi lại trên vườn, tránh đất bị "dí” sau khi thoát nước. Dựng lại những cây bị đổ, nghiêng, cắm cọc giữ cây, không để cây bị lay động, làm đứt rễ. Thu dọn tàn dư thực vật, phun phòng trừ nấm bệnh. Với những cây bị gẫy, cuốn trôi cần sớm trồng dặm lại.

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục rà soát, xác định diện tích cây trồng thiệt hại. Trường hợp bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, vượt quá khả năng tự khôi phục sản xuất của nông dân và có nhu cầu hỗ trợ giống (ngô, rau màu) từ nguồn dự trữ Quốc gia cần khẩn trương gửi báo cáo và tờ trình về Sở NN&PTNT (thông qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền quyết định. 

 

Thu Hằng

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/193569/No-luc-cuu-lua-va-cac-loai-cay-trong-sau-bao.htm
Tin liên quan