Nông dân năng động thi đua sản xuất, kinh doanh

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Nỗ lực đổi mới tư duy, sáng tạo trong SXKD, nhiều hộ hội viên nông dân (HVND) đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng sản xuất, góp phần phát triển KT-XH tại các địa phương.

Hội viên nông dân khu Bãi, thị trấn Bo (Kim Bôi) phát triển kinh tế với mô hình nuôi đà điểu bán công nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh cho biết: Phong trào "Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thời gian qua tiếp tục được các cấp hội chỉ đạo sâu sát, phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả, góp phần quan trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ phong trào đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu trong mỗi hội viên. Các cấp hội chủ động phối hợp với các cấp, ngành, doanh nghiệp tổ chức tốt hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ nông dân... Từ đó, nhiều hộ đưa cây, con mới vào sản xuất, tạo ra mô hình cho thu nhập cao, góp phần đẩy mạnh phong trào, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Một trong những nông dân tiêu biểu đó phải kể đến hộ chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, thôn Đồng Bài, xã Hòa Sơn (Lương Sơn). Cùng cán bộ HND, chúng tôi tới thăm mô hình chăn nuôi của gia đình chị. Là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương cũng như của HND, chị Hạnh tích cực tìm hiểu, học hỏi để thực hiện mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Hiện, gia đình chị phát triển mô hình chăn nuôi lợn rừng. Theo chia sẻ của chị Hạnh, nhận thấy tiềm năng phát triển từ nuôi lợn rừng, từ năm 2009 chị quyết định nuôi lợn rừng với mong muốn xây dựng được mô hình hiệu quả để cải thiện kinh tế gia đình. Với diện tích đất vườn sẵn có, chị Hạnh đầu tư xây tường bao, làm chuồng nuôi lợn bán chăn thả. Từ 5 con lợn nái rừng ban đầu, đến nay, đàn lợn đã có hơn 200 con. Bình quân mỗi năm, sau khi xuất bán và trừ mọi chi phí, gia đình chị thu lãi khoảng 400 triệu đồng.

Để các địa phương có thêm nhiều điển hình nông dân SXKD giỏi, những năm qua, công tác phát triển và nâng cao chất lượng HVND luôn được quan tâm. Từ năm 2024 đến nay, toàn Hội kết nạp trên 1.700 hội viên mới. Không những tăng về số lượng, chất lượng hoạt động của các chi hội cũng được nâng lên, nhiều chi, tổ hội hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân phát triển sản xuất, các cấp HND trong tỉnh đã tạo điều kiện cho hội viên vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng quỹ trên 64,7 tỷ đồng; đã có 43 dự án được giải ngân và trên 440 hộ HVND vay vốn. Ngoài ra, các cấp hội tín chấp nguồn ủy thác các ngân hàng giúp HVND vay, đến nay tổng mức dư nợ ủy thác ở 3 ngân hàng đạt trên 4.004 tỷ đồng.

Cùng với đó, các cấp hội phối hợp với chính quyền các địa phương, ngành chức năng hỗ trợ HVND chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để đầu tư phát triển SXKD, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế, tăng thu nhập. Từ năm 2024 đến nay, HND các cấp phối hợp tổ chức trên 180 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 11.890 HVND về sử dụng phân bón; phòng trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi; chăm sóc cây lúa giảm phân bón vô cơ, kỹ thuật nuôi thủy sản, trồng sắn; kỹ năng xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm OCOP...

Từ nâng cao chất lượng phong trào thi đua SXKD giỏi, HVND trong tỉnh đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Năm 2024, toàn tỉnh có hơn 77.800 hộ đăng ký và trên 51.000 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu đã được nhân rộng như: nuôi cá lồng ở TP Hòa Bình; trồng mía tím ở các huyện: Yên Thủy, Tân Lạc, Cao Phong; chăn nuôi dê ở Lạc Thủy, Mai Châu; chế tác đá cảnh ở Lạc Thủy; trồng cây ăn quả có múi ở các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Yên Thủy, Tân Lạc, Lương Sơn; dệt thổ cẩm ở Tân Lạc, Mai Châu...

 

Thu Hằng

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/199768/Nong-dan-nang-dong-thi-dua-san-xuat,-kinh-doanh.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật