Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Mục tiêu tăng trưởng 12% không quá cao
- Tiêu dùng nội địa được xác định là một trong ba động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam trong năm 2025, ông bình luận gì về việc này?
Ông Nguyễn Anh Đức: Đi đâu, chúng tôi cũng nghe những thông tin về tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2025 đạt trên 8% góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Sự hứng khởi kèm theo đó là cả những áp lực. Bởi nếu doanh nghiệp bán lẻ không nắm bắt được cơ hội sẽ trở nên tụt hậu so với các doanh nghiệp đang cùng kinh doanh với mình. Tuy nhiên, áp lực này cũng tạo động lực cho doanh nghiệp để tạo ra sự phát triển.
![]() |
Ảnh minh họa: Cấn Dũng |
Tăng trưởng GDP và tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mối quan hệ tương đồng. Thông thường, tốc độ tăng trưởng thương mại dịch vụ và bán lẻ cao hơn khoảng 1,5 lần so với tăng trưởng GDP.
Từ năm 2021-2024, đóng góp của bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tổng GDP của cả nước trung bình khoảng 55-60%. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, con số này lên đến trên 65% (năm 2024 là 66,2%). Như vậy cho thấy, nếu như chúng ta đặt vấn đề tăng trưởng GDP cả nước trên 8% thì tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ thì phải tăng trưởng tối thiểu 12%.
Thực ra, mục tiêu này không cao so với chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, chiến lược đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030, giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0-9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15,0-15,5% vào GDP cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 13,0-13,5%/năm.
Câu hỏi đặt ra để đạt được con số tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 12% trong năm nay có khó không? Tôi cho rằng có cả những thuận lợi và khó khăn. Như về thuận lợi, hiện nay thương mại hiện đại tại Thái Lan chiếm hơn 60%, Malaysia chiếm gần 40%, tại Singapore chiếm 95%, trong khi đó, tại Việt Nam con số này mới ở mức 24%.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp thương mại hiện đại ở Việt Nam đang có không gian lớn để phát triển, các doanh nghiệp đang trong bối cảnh không phải cạnh tranh với nhau mà là hợp tác để nâng cao sự phát triển thị trường thương mại Việt Nam. Chuyển đổi hóa từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại và ở một bước cao hơn nữa.
- Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP. Vậy, ở góc độ doanh nghiệp bán lẻ, đâu sẽ là lực đẩy để đạt được mức tăng trưởng 2 con số, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Đức: Ở góc độ doanh nghiệp thương mại dịch vụ và bán lẻ muốn tăng trưởng được thì yếu tố đầu tiên cần phải có đó là niềm tin của người tiêu dùng.
Thứ nhất, đó là niềm tin của tiêu dùng cá nhân. Việt Nam đã từng là quốc gia có niềm tin của người tiêu dùng cao nhất Đông Nam Á, nhưng hiện chúng ta không đạt được chỉ số này. Tác động đến niềm tin của người tiêu dùng, ở góc độ cá nhân tôi cho rằng, việc này đến từ thu nhập của người lao động. Điều này đảm bảo người tiêu dùng có đủ niềm tin để thúc đẩy tiêu dùng chung.
![]() |
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam |
Chúng ta đang có một khái niệm đó là mức lương tối thiểu nhưng chúng ta đang không có khái niệm đó là mức lương đủ sống. Mức lương đủ sống sẽ giúp niềm tin của người tiêu dùng tăng lên. Một người làm có thể đủ sống cho 3-4 người thì lúc đó tiêu dùng mới phát triển được.
Thứ hai, đó là góc độ tiêu dùng doanh nghiệp với doanh nghiệp, hay nói cách khác là sức khỏe của doanh nghiệp, đây cũng là yếu tố để đảm bảo rằng doanh nghiệp cũng tự tin trong tiêu dùng. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp lập ra nhiều nhưng đóng cửa cũng rất nhiều. Sức mạnh của mỗi doanh nghiệp trên thị trường sẽ đóng góp cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Tác động đến tiêu dùng doanh nghiệp có yếu tố của sự kết nối đồng bộ giữa các ngành và các bộ phận khác nhau. Bên cạnh đó là những hỗ trợ mang tính chất trực diện của nhà nước để đảm bảo chỉ số niềm tin tiêu dùng này tăng cao hơn trong thời gian sắp tới.
Về phía doanh nghiệp cũng cần có các giải pháp thúc đẩy. Chúng ta không chỉ sử dụng các giải pháp cũ, các doanh nghiệp cần cấu trúc lại hoạt động kinh doanh của mình, khi đó doanh nghiệp mới giảm được chi phí, tăng được doanh thu và có được hiệu quả cao hơn.
Cấu trúc lại ngành bán lẻ
- Để cấu trúc lại ngành bán lẻ cần có những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Đức: Trong quá trình cấu trúc lại này, có 3 việc cần làm. Thứ nhất, cần cấu trúc lại đối với lĩnh vực bán lẻ truyền thống. Bởi hiện nay, thương mại truyền thống chiếm 76%, thương mại hiện đại chỉ chiếm 24% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Tuy nhiên, hiện thương mại truyền thống đang có một sự trì trệ lớn, nguyên nhân do khối này chưa nghĩ đến việc cấu trúc lại. Tại nhiều chợ truyền thống, các tiểu thương đóng cửa rất nhiều, các tiểu thương đều muốn sang lại sạp, sang lại ô chợ nhưng không được. Bởi bất động sản sạp chợ đã hình thành một quá trình rất lâu, sang lại sạp có nghĩa là bà con lấy lại tiền mà bà con đã trả cách đây 20-30 năm, do đó, giá trị sang lại rất lớn và cũng không ai mua tại thời điểm này.
Do đó, cấu trúc lại thương mại truyền thống là việc cần làm lúc này để đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành chứ không thể bắt thương mại truyền thống tiếp tục tăng trưởng như vậy.
Thứ hai, đối với thương mại hiện đại, chúng ta cũng phải tiến hành cấu trúc lại từ đó tạo nên cú hích, trong đó, nhấn mạnh đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, thương mại điện tử hiện nay đang được cá nhân hóa, cá biệt hóa cho từng đối tượng thì việc đi tắt, đón đầu trong cấu trúc này là rất quan trọng.
Thứ ba, trong các giá trị chung liên quan đến chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cũng phải cấu trúc này. Việc cấu trúc lại này phụ thuộc vào một kế hoạch lớn, chiến lược lớn của cơ quan quản lý, quản trị nhà nước.
Về giải pháp tiên phong, cần tận dụng triệt để đổi mới sáng tạo mà Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đề ra.
Theo một thống kê của Frost & Sullivan với 500 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu thế giới thì đổi mới sáng tạo và những yếu tố mới sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra được 30% doanh số và 30% lợi nhuận. Do đó, doanh nghiệp cần phải chủ động nắm bắt, tận dụng triệt để đổi mới sáng tạo ở các góc độ tìm kiếm được thị trường mới, công thức mới, khách hàng mới, lĩnh vực mới,… nhằm tạo ra giá trị riêng cho doanh nghiệp mình, từ đó tạo nên sự mới mẻ trong cách mua, cách tiêu dùng của người dân.
Các báo cáo cũng cho thấy 30% doanh thu của 500 công ty hàng đầu thế giới đến từ phát triển các sản phẩm mới, con số này ở châu Á là 20%, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới đạt được 10%. Điều này có nghĩa tiềm năng tăng doanh thu từ phát triển sản phẩm mới của các doanh nghiệp trong nước còn rất lớn.
Cùng với đó các doanh nghiệp cần đi tắt, đón đầu trong ứng dụng số liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), từ đó, tạo ra những cú hích về doanh số bán lẻ cao hơn trong giai đoạn sắp tới.
Xin cảm ơn ông!
Trong 10 năm qua, quy mô bán lẻ hiện đại của Việt Nam tăng gấp 10 lần, từ 2,6 tỉ USD lên 26 tỷ USD. Tuy vậy, thị phần bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 24% tổng thị phần, tỉ lệ này ở Singapore là 95%, Thái Lan là 65%, Malaysia gần 40%. So với các nước khác về mức độ thâm nhập thị trường, bán lẻ hiện đại Việt Nam vẫn bị đánh giá tụt hậu. Dấu hiệu tích cực là các nhà bán lẻ Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đổi mới, phát triển sản phẩm mới và tận dụng việc sử dụng thiết bị di động cao ở người tiêu dùng để đa dạng hóa cách bán hàng, tăng doanh thu. |