Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Vướng rào cản chính sách |
Mới đây, chia sẻ với truyền thông, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Asanzo) - cho biết, ông cùng một nhóm đầu tư vừa "rót" 2.000 tỷ đồng vào hệ thống 5 trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An với quy mô 25.000 con, tổng vốn 2.000 tỷ đồng. Chuỗi trang trại được tổ chức theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, không có nước thải, không có phế phẩm. Nguồn bò nhập từ Australia, nuôi lấy thịt phục vụ thị trường lân cận.
Các đại biểu tham quan mô hình trang trại và quy trình sản xuất phân bón hữu cơ Ba Con Bò |
Phế phẩm, chất thải từ quá trình chăn nuôi sẽ được đưa vào dây chuyền sản xuất phân hữu cơ dựa trên công nghệ và công thức phối trộn vi sinh độc quyền đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp. Cỏ và rơm rạ cho bò ăn được thu gom từ người nông dân quanh vùng.
Ông Phạm Văn Tam cho hay, các trang trại đã hoàn tất quy trình nuôi bò lấy thịt và phân phối cấp 1, đang cung cấp ra thị trường 50 tấn thịt mỗi ngày. Với khối lượng phân mỗi ngày hơn 400 tấn, DN chuẩn bị ra mắt phân bón hữu cơ dạng tơi và dạng viên nén ngay trong tháng 3 với thương hiệu Ba Con Bò. Chia sẻ lý do lấn sân mảng nông nghiệp, ông chủ Asanzo cho biết, hoạt động kinh doanh điện tử của doanh nghiệp (DN) trong năm qua gặp nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh, đây là lúc nhìn lại gốc rễ vấn đề liên quan tới thu nhập của người tiêu dùng. “Đây chỉ là bước khởi đầu cho sự phát triển của Asanzo trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi chắc chắn sẽ đồng hành, hỗ trợ người nông dân để phát triển nông nghiệp trên cơ sở sản xuất bền vững, tạo xu thế hữu cơ trên cánh đồng Việt”, ông Tam chia sẻ.
Trước đó, vào ngày 8/1/2021, Công ty CP Sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (Thadi) của tỷ phú Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (THACO) - đã chi hơn 7 nghìn tỷ đồng để thâu tóm nốt phần cổ phiếu còn lại tại Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) của bầu Đức. Từ đây, Thadi đổi tên thành Thagrico còn “ghế nóng” Chủ tịch HAGL Agrico thì được chuyển giao từ bầu Đức sang cho ông chủ Trường Hải. Sau khi tiếp quản gia sản nông nghiệp mà bầu Đức đã gây dựng trong gần một thập kỷ, ông Trần Bá Dương khẳng định không bán cho cổ đông ngoại mà sẽ phát triển bằng được công nghệ cao.
Trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thịt lợn, nhằm nắm bắt cơ hội thị trường 10 tỷ USD, trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So - Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) - cho biết, có tập đoàn lớn trong nước đặt vấn đề hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi và muốn đầu tư để nắm giữ 60% cổ phần của DN. Đây là một thông tin rất đáng chú ý với các nhà đầu tư bởi lĩnh vực chăn nuôi lợn gần đây mang lại lợi nhuận rất lớn do giá thịt cao, đàn lợn suy giảm do dịch tả châu Phi và các tập đoàn Việt Nam đang rất chú trọng vào khâu chế biến nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm.
Trào lưu DN lớn ở lĩnh vực bất động sản, tài chính, thép... chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp bắt đầu từ năm 2013. Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai và sau đó là hàng loạt tập đoàn khác như Vingroup, Hoà Phát và gần nhất là Thaco... cũng lấn sân vào lĩnh vực này. Hai cách thức được các thương hiệu lớn lựa chọn khi đầu tư vào nông nghiệp là bắt tay hợp tác để tận dụng lợi thế mỗi bên hoặc đầu tư "đơn thương độc mã". Hướng tới mục tiêu xuất khẩu hay khai thác tiềm năng từ chính thị trường nội địa cũng tùy thuộc vào chiến lược của từng DN.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, việc nhiều tập đoàn, DN lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như Nafoods, Tập đoàn TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Thương mại và đầu tư Biển Đông,... đã góp phần tạo ra diện mạo mới của ngành nông nghiệp.
Việc DN ngoài ngành đổ vốn vào nông nghiệp được các chuyên gia đánh giá là dấu hiệu rất đáng mừng bởi lẽ dòng vốn Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này quá thấp. Những DN đầu tư vào nông nghiệp đều có chủ đích từ trước, có cái nhìn dài hạn, đặc biệt là việc đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, với mức thuế xuất khẩu về 0%, cơ hội nông sản xuất khẩu sang các thị trường sẽ rất tiềm năng.
Phần lớn các DN ngoài ngành khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã thoát khỏi cách sản xuất truyền thống, chuyển sang sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ tự động hoá và quản trị trên nền tảng số hoá 4.0 theo chuỗi giá trị khép kín, chuyên biệt. |
Nguyễn Hạnh