Tỉnh Sơn La: Phát triển mạnh cây dược liệu ở huyện miền núi Sốp Cộp

Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, các mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã đem lại hiệu quả kinh tế.

Những năm gần đây, tại huyện miền núi Sốp Cộp, tỉnh Sơn La chính quyền, hợp tác xã và người dân đã phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu, bước đầu đã đem lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Cụ thể, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và huyện, thông qua các chương trình, dự án, nhiều loại cây dược liệu đã được trồng và ngày càng được nhân rộng.

Hiện nay, huyện Sốp Cộp có trên 60 ha cây quế, 16 ha cây sa nhân, 20 ha gừng, 4 ha hà thủ ô, cát sâm, khôi nhung, đẳng sâm. Trong đó, 40 ha gừng, sa nhân, hà thủ ô đã cho thu hoạch. Các hợp tác xã phát triển cây dược liệu, như hợp tác xã nông nghiệp Toàn Duyên, hợp tác xã Long Hiếu ở xã Sốp Cộp; hợp tác xã nông nghiệp Châu Thinh ở xã Mường Và...

Ông Vì Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp cho biết, với mong muốn cây dược liệu trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ rừng, Phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã tuyên truyền, vận động các hợp tác xã, hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu, hoặc trồng xen vào diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch. Tại các xã vùng thấp như Sốp Cộp, Mường Và, Dồm Cang tập trung trồng cây đẳng sâm, khôi nhung, cát sâm, hà thủ ô; các xã vùng cao hoặc các xã có khí hậu mát mẻ, như Mường Lèo, Nậm Lạnh, Mường Lạn trồng sa nhân, quế, gừng...

Tỉnh Sơn La: Phát triển mạnh cây dược liệu ở huyện miền núi Sốp Cộp
Mô hình trồng cây dược liệu của hợp tác xã Long Hiếu, huyện Sốp Cộp (ảnh báo Sơn La)

Là một trong những hợp tác xã tiên phong trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện, hợp tác xã Long Hiếu đang trồng các loại cây sa nhân đỏ, khôi nhung, cát sâm, gừng và đang ươm 400 nghìn cây giống phục vụ trồng 20 ha đẳng sâm từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, đã cung ứng hơn 100 nghìn cây giống cho trên 50 hộ ở các xã giáp trung tâm huyện.

Anh Lại Đình Hiến, Giám đốc hợp tác xã Long Hiếu cho biết, Năm 2020, hợp tác xã trồng 1 ha hà thủ ô tại bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp, sau 2 năm cho thu hoạch, sản lượng đạt 6 tấn củ tươi, thu nhập trên 350 triệu đồng.

Từ thành công ban đầu, hợp tác xã đã đầu tư cho 11 thành viên trồng gần 30 ha cây dược liệu tại xã Nậm Lạnh, Mường Lèo. Trong đó, 20 ha gừng tại xã Mường Lèo đã cho thu hoạch. Đặc biệt, 1 ha cây cát sâm trồng từ tháng 5/2021 đang phát triển tốt, hiện nay đã có hoa, có củ, dự kiến năm 2024 sẽ được thu hoạch.

Anh Hiếu cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm, hợp tác xã đã tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Năm 2022, sản phẩm “Viên hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp” được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, đã bán ra thị trường gần 3.000 hộp, giá bán trung bình là 300 nghìn đồng/hộp cho các cửa hàng, siêu thị trong tỉnh và các tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội.

Tỉnh Sơn La: Phát triển mạnh cây dược liệu ở huyện miền núi Sốp Cộp
Thành viên hợp tác xã Long Hiếu hái hoa cây cát sâm để làm trà (ảnh báo Sơn La)

Anh Lò Văn Nam, bản Phỏng, xã Nậm Lạnh chia sẻ: Khi vào hợp tác xã Long Hiếu, tôi được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, quy trình chăm sóc an toàn; cách sử dụng thuốc, phân bón. Từ đó, áp dụng vào thực tế sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Gia đình tôi trồng hơn 2 ha cây sa nhân tím dưới tán rừng và gần 1 ha cây ăn quả, năm 2022, thu gần 2 tấn quả sa nhân tươi, bán được hơn 70 triệu đồng, 3 tấn quả các loại, thu trên 30 triệu đồng. Thu nhập từ trồng dược liệu và cây ăn quả hiệu quả cao nhiều lần so với trồng ngô, sắn” - anh Nam nói.

Cuối năm 2016, 10 hộ dân bản Phổng, xã Nậm Lạnh, trồng hơn 10 ha cây sa nhân tím. Năm 2022, thu hoạch năng suất đạt 8 tạ quả tươi/ha, giá bán trung bình từ 35-40 nghìn đồng/kg. Anh Tòng Văn Vinh, bản Phổng, trồng hơn 2 ha cây sa nhân tím dưới tán rừng. Năm 2022, gia đình anh thu gần 2 tấn quả tươi, bán được hơn 70 triệu đồng. Vụ năm nay, ước thu trên 3 tấn quả tươi.

Anh Vinh chia sẻ, cây sa nhân đã cho thu hoạch năm thứ 2, giúp cuộc sống của nhiều hộ dân trong bản khá lên, có thêm điều kiện để sửa chữa nhà ở, mua sắm đồ dùng sinh hoạt, nông cụ và mua con giống, xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp cho biết, cây dược liệu đang mang lại giá trị cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, đời sống của người nông dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện vẫn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Hầu hết các vùng trồng cây dược liệu đều là bà con dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ chuyên canh cây dược liệu chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn.

Khắc phục những hạn chế trên, huyện Sốp Cộp đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, khảo nghiệm, nghiên cứu các loại cây dược liệu phù hợp với địa phương; thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng, sơ chế, chế biến cây dược liệu. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường ổn định cho các sản phẩm từ cây dược liệu, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

 
Tác giả: Ngân Thương
Nguồn: https://congthuong.vn/tinh-son-la-phat-trien-manh-cay-duoc-lieu-o-huyen-mien-nui-sop-cop-261963.html
Tin liên quan