Bình Thuận: Quản lý thị trường phát hiện 227 vụ vi phạm

Năm 2024, Quản lý thị trường Bình Thuận đã thanh, kiểm tra 556 vụ, phát hiện 227 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt hơn 3,7 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 5,1 tỷ đồn

Phát hiện 227 vụ vi phạm, chuyển 1 vụ việc sang cơ quan điều tra

Ngày 3/1, thông tin từ Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cho biết, năm 2024, tình hình thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh nhìn chung không có biến động bất thường; nguồn cung các mặt hàng thiết yếu: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas... tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cơ sở phân phối, bán lẻ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá; lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng.

Quản lý thị trường Bình Thuận nộp ngân sách 5,1 tỷ đồng
Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường Bình Thuận kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Cục QLTT Bình Thuận

Tuy nhiện, tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh vẫn còn xảy ra tập trung ở mặt hàng: thuốc lá, thực phẩm, thời trang, phụ kiện điện thoại, xăng dầu và trong hoạt động thương mại điện tử với các hành vi chủ yếu: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không công bố đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng.

Điển hình, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 76 vụ liên quan mặt hàng xăng dầu, phát hiện và xử lý 37 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp là hơn 1,6 tỷ đồng. Kiểm tra phát hiện 3 vụ vi phạm đường cát, xử lý 5 vụ (2 vụ từ năm trước), tổng số tiền xử phạt vị phạm hành chính là 94,5 triệu đồng, tịch thu gần 42 tấn đường cát.

Đối với mặt hàng mỹ phẩm, kiểm tra 16 vụ, phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 139 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 115,7 triệu đồng, chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Quản lý thị trường Bình Thuận nộp ngân sách 5,1 tỷ đồng
Năm 2024, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã thanh, kiểm tra 556 vụ, phát hiện 227 vụ vi phạm. Ảnh: Cục QLTT Bình Thuận

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng Quản lý thị trường Bình Thuận đã kiểm tra 24 vụ, qua đó phát hiện và xử lý 22 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 423 triệu đồng; các vi phạm chủ yếu là không công bố đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hưu website; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng...

Kiểm tra 35 vụ đối với mặt hàng thuốc lá, thuốc lá điện tử (34 vụ thuốc lá, 1 vụ thuốc lá điện tử), phát hiện 4 vụ vị phạm, trong đó: 1 vụ chuyển hình sự, đã xử lý03 vụ (2 vụ thuốc lá và 1 vụ thuốc lá điện tử), tổng số tiền xử phạt là 112 triệu đồng, buộc tiêu hủy 1.450 bao thuốc lá điếu các loại trị giá 24,89 triệu đồng.

Trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã thanh, kiểm tra 556 vụ, phát hiện 227 vụ vi phạm (giảm 35 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, đã xử lý 226 vụ vi phạm (3 vụ năm 2023 chuyển qua), 4 vụ đang xử lý (1 vụ chuyển UBND tỉnh, 1 vụ chuyển hình sự); tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 3,7 tỷ đồng; tổng số tiền đã nộp ngân sách nhà nước là hơn 5,1 tỷ đồng (đạt 115% so với chỉ tiêu).

Đáng chú ý, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã chuyển 1 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Phan Thiết để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vận chuyển 9.700 bao thuốc lá điếu nhập lậu.

Tăng cường đào tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử

Ông Nguyễn Tiến Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Thuận - cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, còn đó những hạn chế, tồn tại như: Năng lực và trình độ chuyên môn của công chức Quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính mới chỉ tập trung vào một số mặt hàng, lĩnh vực quen thuộc. Nghiệp vụ trong kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh vàng miếng của công chức còn hạn chế; công tác giám sát, quản lý địa bàn còn hạn chế, chưa thể bao quát và sâu sát đến từng diễn biến cụ thể trên địa bàn.

Ngoài ra, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển, hầu hết các đối tượng chỉ kinh doanh online qua các trang mạng xã hội, không có địa điểm, kho hàng cụ thể. Website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn.

“Thực trạng này khiến lực lượng gặp không ít khó khăn trong việc xác minh, truy tìm, xử lý. Do đó, cần tăng cường tổ chức hội nghị tập huấn, đào tạo chuyên sâu về xử lý vi phạm trong hoạt động thương mai điện tử nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm. Từ đó kịp thời nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý cho toàn thể công chức trong đơn vị, góp phần đảm bảo tính xuyên suốt trong khi thi hành công vụ”, ông Sơn kiến nghị.

Quản lý thị trường Bình Thuận nộp ngân sách 5,1 tỷ đồng
Cục Quản lý thị trường Bình Thuận tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn dịp trước, trong, sau tết Nguyên đán Át Tỵ 2025. Ảnh: Cục QLTT Bình Thuận

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cho hay, trong năm 2025, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các Chỉ thị của Chính phủ, Bộ Công Thương. Triển khai có hiệu quả Đề án 319 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống hàng giả trong môi trường thương mại điện tử, tăng cường công tác thụ thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ và Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2025; phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thương mại điện tử; thực hiện tốt công tác tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai thống nhất, đồng bộ các phương án, kế hoạch phối hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn.

Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Át Tỵ 2025.

Đồng thời, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn bằng các hình thức đa dạng, thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.

Về công tác quản lý tài sản là hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu của Cục Quản lý thị trường Bình Thuận: Trong năm 2024, hàng hóa tịch thu nhập kho trị giá hơn 3,3 tỷ đồng; hàng hóa tịch thu đã bán trị giá hơn 1,2 tỷ đồng; hàng hóa đã tiêu hủy trị giá 2,2 tỷ đồng. Lũy kế, tổng trị giá hàng tồn kho đến nay là gần 2,6 tỷ đồng, trong đó: hàng hóa tịch thu đề xuất phương án (bán đấu giá trị giá 27,2 triệu đồng, tiêu hủy trị giá 2,9 triệu đồng), đang kiểm mẫu trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, chờ tiêu hủy 12,6 triệu đồng và đang chờ bán đấu giá là gần 1 tỷ đồng.
 
Tác giả: Nguyễn Ngọc
Nguồn: https://congthuong.vn/binh-thuan-quan-ly-thi-truong-phat-hien-227-vu-vi-pham-367729.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật