Tại thị trường nội địa, ngày 13/11, khảo sát tại các vựa thu mua sầu riêng xuất khẩu tại khu vực khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Tây cho thấy, giá sầu riêng Monthong (hay còn gọi là Dona) loại A đã chạm mốc 200.000 đồng/kg. Đặc biệt, một số vựa còn thông báo mức giá 202.000 đồng/kg.
Với hàng loại B, giá thu mua sầu riêng Monthong dao động 180.000 - 182.000 đồng/kg, tăng khoảng 35.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 10.
Tương tự với sầu riêng Ri6, giá thu mua loại A ở mức 153.000 - 155.000 đồng/kg, và 133.000 - 135.000 đồng/kg với hàng loại B. So với hồi cuối tháng 10, giá sầu riêng Ri6 không có nhiều thay đổi.
10 tháng năm 2024, sầu riêng vẫn là sản phẩm đóng góp giá trị xuất khẩu nhiều nhất trong nhóm ngành rau quả. |
Theo ghi nhận tại Hậu Giang, sầu riêng vụ nghịch có giá cao gần gấp đôi so với vụ thuận. Nhà vườn cho biết việc xử lý cây ra hoa trái mùa giúp bán được giá cao và ổn định đầu ra nhưng đi kèm chi phí sản xuất tăng do quá trình chăm sóc tốn kém và tỷ lệ đậu trái thấp. Hiện Hậu Giang có khoảng 2.900 ha sầu riêng, chủ yếu tập trung tại các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Châu Thành và thành phố Ngã Bảy, với năng suất bình quân 14-16 tấn/ha.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến khích người dân áp dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo đầu ra và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Khảo sát tại tỉnh Bến Tre, giá thu mua sầu riêng cũng đã tăng cao, dao động từ 130.000 - 140.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri 6 loại đẹp, và sầu riêng Thái có giá từ 160.000 đồng/kg trở lên. Các thương lái ở tỉnh Bến Tre cũng cho biết, việc tìm nguồn cung từ các vườn sầu riêng đang trở nên khó khăn, khi số lượng trái sầu riêng đạt chuẩn ngày càng ít.
Trên thị trường xuất khẩu, giá sầu riêng Ri6 và Monthong của Việt Nam tiếp tục ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sầu riêng Ri6 loại A (trọng lượng 1,8 – 5kg) đạt 152.000 đồng/kg, trong khi Monthong loại A (2 – 5,5kg) dao động ở mức 179.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân tăng giá là do hạn chế nguồn cung nhưng nhu cầu xuất khẩu vẫn cao dẫn tới giá thị trường tăng cao; ,ức giá thu mua đối với sầu riêng Monthong là 200.000 đồng/kg đã quá cao so với thị trường, vì thế từ thời điểm này tới cuối năm khó có thể tăng tiếp nữa.
Thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều dư địa, nhất là dịp cuối năm nhưng với giá thu mua này đã chạm ngưỡng, không nên tiếp tục đẩy lên cao nữa. Bởi rất có thể gây nên tình trạng bong bóng giá, khá bất ổn về giá trên thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng.
Cũng theo Hiệp hội, 10 tháng năm 2024, sầu riêng vẫn là sản phẩm đóng góp giá trị xuất khẩu nhiều nhất trong nhóm ngành rau quả, với hơn 3 tỉ USD.
Tính riêng trong tháng 9, xuất khẩu sầu riêng đã chiếm tới 65% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Còn tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt tới 2,7 tỷ USD, kỷ lục xuất khẩu chưa từng có với một loại trái cây của Việt Nam.
Tuy nhiên, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, sầu riêng của Việt Nam đang chịu cạnh tranh khá lớn tại thị trường chính là Trung Quốc. Vì thế đây cũng là thời điểm để đẩy mạnh việc hình thành những mô hình sầu riêng bền vững.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, vào năm 2023, nước này nhập khẩu hơn 1,4 triệu tấn sầu riêng, với giá trị tăng 70% so với cùng kỳ năm trước ở mức 6,7 tỷ USD. Nhưng các chuyên gia lưu ý rằng mức tiêu thụ sầu riêng bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc chỉ vào khoảng 1kg, so với 13kg ở Malaysia và 4kg đến 5kg ở Thái Lan.