Mất mùa, giá sắn ở nhiều địa phương tăng cao

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá sắn tại thị trường trong nước liên tục tăng từ đầu năm đến nay, tuy nhiên, nhiều nông dân không được hưởng lợi do sắn bị mất mùa do thiên tai, dịch bệnh.

Xuất khẩu sắn 4 tháng đầu năm: Tăng cả lượng và giá trị Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn 2 tháng đầu năm 2021 tăng 77,9%

Cụ thể, tại Gia Lai, từ đầu năm giá sắn nguyên liệu luôn ở mức cao, riêng Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai thu mua sắn của dân với giá 3.100 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. Sắn được coi là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 13.000 ha, tập trung ở vùng Đông, Đông Nam của tỉnh. Giá sắn vụ này tăng cao nhưng nhiều nông dân không được hưởng lợi do sắn bị mất mùa do thiên tai, dịch bệnh.

Niên vụ 2020/21, vùng nguyên liệu sắn tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi bệnh khảm lá, mưa bão khiến năng suất sắn kém, sản lượng giảm sâu. Vụ sản xuất năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 16.000 ha diện tích trồng cây sắn, với sản lượng đạt hơn 311.000 tấn.

4247-xuat-khau-san
Mất mùa, giá sắn ở nhiều địa phương tăng cao

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, vụ sắn năm 2021, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 14.200 ha sắn, nhưng đã có hơn 2.400 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá tập trung tại các huyện Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, TP Quảng Ngãi và Bình Sơn. Huyện Sơn Hà là địa phương có diện tích sắn bị nhiễm nhiều nhất với khoảng 2.000 ha.

Diện tích này bùng phát mạnh nhất chủ yếu là giống KM 140 và KM 94, nhiễm nặng hơn ở giống KM 140. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh Quảng Ngãi bùng phát bệnh khảm lá sắn. Vụ năm 2021, dù người dân mới xuống giống được từ 1 – 3 tháng, nhưng bệnh khảm lá đã nhanh chóng lây lan trên diện rộng. Trong thời gian tới, nhiều khả năng bệnh khảm lá sẽ không dừng lại ở diện tích này mà còn tiếp tục tăng.

Giá sắn nguyên liệu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên ít biến động do thu hoạch đã vào cuối vụ. Hiện thu hoạch sắn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên dần kết thúc, nhiều nơi đã thu hoạch đến 95%. Nhiều nhà máy tại khu vực Gia Lai, Kon Tum thông báo ngừng nhập sắn nguyên liệu để nghỉ vụ sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, tỉnh đã thu hoạch hơn 25 nghìn ha trong tổng số 27,6 nghìn ha sắn niên vụ 2020/21, với năng suất bình quân đạt khoảng 20 tấn/ha. Niên vụ này, các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh thu mua sắn tươi với giá từ 2.900 - 3.200 đồng/kg (30% trữ bột), là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Người trồng sắn tại tỉnh Phú Yên đang xuống giống sắn mới. Đến nay, toàn tỉnh trồng được 18.700 ha sắn niên vụ 2021/22, dự kiến vụ trồng sẽ kết thúc trong tháng 5/2021. Tuy nhiên, hơn 6.000 ha sắn đang bị bệnh khảm lá virus gây hại, trong đó huyện Sông Hinh 2.600 ha, Đồng Xuân 1.800 ha, Sơn Hòa 1.060 ha, Tây Hòa 550 ha và Phú Hòa 10 ha.

Tại Thanh Hóa, tính đến ngày 27/4/2021, trong tổng số 12,9 nghìn ha sắn niên vụ 2021/22 đã trồng tại Thanh Hóa có trên 2,8 nghìn ha nhiễm bệnh khảm lá sắn, tại 5 huyện. Tỷ lệ bệnh khảm lá sắn phổ biến 10 - 15%, nơi cao đến 30% và cục bộ có nơi đến 90%. Các huyện có diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn nhiều như Như Xuân (1,1 nghìn ha); Thường Xuân (trên 975 ha); Như Thanh (161 ha)...

Do giá sắn nguyên liệu tăng mạnh nên người dân tăng đầu tư vào trồng sắn. Tuy nhiên, vì thiếu nguồn cung giống nên nông dân sử dụng cả giống sắn nhiễm bệnh để trồng khiến bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng.

Nguyễn Hạnh

 

Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/mat-mua-gia-san-o-nhieu-dia-phuong-tang-cao-157286.html
Tin liên quan