Nguồn cung tiếp tục suy giảm, giá xuất khẩu cà phê dự kiến tăng cao

Mới đây, Chính quyền Ethiopia đã tạm thời cấm hành khách đi máy bay mang cà phê sản xuất trong nước ra khỏi nước này. Điều này sẽ làm tăng giá cà phê xuất khẩu.

Thống kê của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá hai mặt hàng cà phê quay lại đà giảm trong phiên hôm qua (27/9). Cụ thể, giá Arabica giảm 1,06% và giá Robusta giảm 0,37%. Tín hiệu tích cực từ mùa vụ 2024/25 tại Brazil, kết hợp cùng chênh lệch tỷ giá gia tăng đã gây áp lực lên giá.

Nguồn cung tiếp tục suy giảm, giá xuất khẩu cà phê dự kiến tăng cao
Giá cà phê giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 27/9

Dự báo mưa sẽ trở lại và thời tiết sẽ bớt khắc nghiệt hơn tại vùng trồng cà phê chính của Brazil trong khung thời gian 10 ngày tới. Điều này sẽ hỗ trợ cây cà phê ra hoa và phát triển trong điều kiện phù hợp hơn so với giai đoạn khô nóng trước đó.

Hơn nữa, chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng thêm 0,41% trong phiên hôm qua, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real tăng mạnh hơn 1%. Chênh lệch tỷ giá giữa hai đồng tiền càng kích thích nông dân Brazil đẩy mạnh bán hàng, từ đó tạo thêm sức ép lên giá.

Giá thế giới đã có tác động trực tiếp lên giá cà phê trong nước. Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đảo chiều giảm trở lại về mức 55.700 - 66.500 đồng/kg.

Dù có sự suy giảm nhẹ, nhưng xuất khẩu cà phê nói chung vẫn có cơ hội tăng trưởng mạnh bởi nguồn cung suy giảm so với nhu cầu của thế giới. Hiện nay, cà phê Việt Nam đang có mức giá rất cao so với nhiều năm trở lại đây.

Để thúc đẩy xuất khẩu cà phê, thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Hiệp hội Cà phê Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức đoàn cà phê xuất khẩu tham gia sự kiện Triển lãm và Hội nghị cà phê thế giới (WCC) tại Ấn Độ. Tại đây, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (thương hiệu L’amant Café) đã ký kết biên bản ghi nhớ phân phối sản phẩm với đối tác tại thị trường Ấn Độ.

Đáng chú ý, cà phê Vĩnh Hiệp là dòng cà phê hữu cơ nổi tiếng của Việt Nam, đã xuất khẩu được đến rất nhiều thị trường khó tính. Điều này lần nữa đánh dấu cột mốc mới trong hành trình mang cà phê hữu cơ Việt Nam ra thế giới của L’amant Café, cũng như khẳng định con đường phát triển cà phê theo hướng hữu cơ của Việt Nam là đúng đắn.

Nguồn cung tiếp tục suy giảm, giá xuất khẩu cà phê dự kiến tăng cao
Xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường Ấn Độ có sự khởi sắc (Ảnh minh họa)

Ấn Độ là một trong những thị trường quan trọng của cà phê Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sau 3 năm giảm liên tiếp, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Ấn Độ tăng mạnh trở lại trong năm 2022, đạt 29.957 tấn, tăng tới 123,5% so với năm 2021; kim ngạch đạt 57,43 triệu USD, tăng 164,79%.

Trong 8 tháng đầu năm 2023 chiếm khoảng 1,9% tỷ trọng, đạt 22.826 tấn, tăng 5,74% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch đạt 45,90 triệu USD, tăng 10,45%.

Giá cà phê xuất khẩu trung bình sang Ấn Độ trong năm 2022 tăng mạnh 18,49% so với năm 2021, đạt 1.917 USD/tấn. Trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2.011 USD/tấn, tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2022.

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 - 6 tỷ USD vào năm 2030, chiến lược ngành cà phê là đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan...) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, tình trạng dư cung, giá giảm có thể sẽ quay trở lại.

Một thông tin đáng chú ý trên thị trường cà phê là mới đây, Chính quyền Ethiopia đã tạm thời cấm hành khách đi máy bay mang cà phê sản xuất trong nước ra khỏi nước này. Dù chưa rõ lý do đằng sau lệnh cấm này, tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng quyết định này có thể có tác động đáng kể đến thị trường cà phê toàn cầu và có thể khiến giá cà phê tăng vọt.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế, Ethiopia là nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất trong số các quốc gia châu Phi và đứng thứ 5 toàn cầu về sản lượng cà phê sau Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia. Hơn 25% người Ethiopia sống nhờ buôn bán cà phê, tạo ra tới 30% thu nhập ngoại hối của nước này.

Cơ quan Chè và Cà phê Ethiopia (ECTA) thông tin, nước này đã xuất khẩu 240.000 tấn cà phê trị giá 1,34 tỷ USD sang thị trường quốc tế trong năm 2022. Xuất khẩu cà phê của Ethiopia lên tới 27.000 tấn, trị giá 140 triệu USD chỉ trong tháng 8 năm nay.

Các khách hàng mua cà phê lớn của Ethiopia là Mỹ, Saudi Arabia, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ và UAE. Từ đầu năm đến nay, khối lượng xuất khẩu cà phê của Ethiopia đã tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.

 
Tác giả: Bảo Ngọc
Nguồn: https://congthuong.vn/nguon-cung-tiep-tuc-suy-giam-gia-xuat-khau-ca-phe-du-kien-tang-cao-275052.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật