Nhận thức đúng vai trò này, Đảng bộ Bộ Công Thương đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng, trình Chính phủ ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.
Vươn lên trong gian khó
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ Bộ Công Thương luôn bám sát thực tiễn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống văn bản, chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương, trong đó có nội dung trọng tâm là phát triển thị trường trong nước.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tại Siêu thị AEON, TP. Hà NộiẢnh: Thu Trang
Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đại dịch làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại,tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại của thị trường nội địa.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, phát huy vai trò chỉ đạo của Đảng, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, góp phần phục hồi kinh tế. Sức lan toả từ các hoạt động kết nối - cung cầu đã khơi dậy tinh thần chủ động của doanh nghiệp, biến họ trở thành “hạt nhân” cho hoạt động kết nối cung cầu khắp cả nước. Từ các tập đoàn sản xuất lớn như Dệt may Việt Nam, Hóa chất Việt Nam... đến các hệ thống bán lẻ lớn như: Hapro, BRG, Co.opmart, Central Retail, Aeon Mall, Winmart, MediaMart, Pico, Nguyễn Kim... đều đồng loạt triển khai các chương trình khuyến mại quy mô lớn thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm.
Đại dịch đi qua, thị trường nội địa tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ quan trọng cho sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và được người dân đón nhận. Bộ Công Thương đã triển khai công tác quản lý nhà nước một cách đồng bộ, linh hoạt, góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thiết lập mạng lưới phân phối rộng khắp, đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu người dân Việt Nam - đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Bệ đỡ quan trọng
Với các chính sách điều hành đúng đắn, thị trường trong nước tiếp tục phát huy vai trò là bệ đỡ quan trọng, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định sản xuất, đặc biệt là khi có các biến động lớn từ thị trường bên ngoài. Việt Nam hiện thuộc nhóm các quốc gia có thị trường nội địa lớn và tăng trưởng nhanh, được củng cố bởi dân số hơn 100 triệu người và sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, đặc biệt ở các lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh và thương mại điện tử.
Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 12,0 - 12,5%/năm. Ảnh: Kim Ngân
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao (ước tăng khoảng 8,1%/năm). Thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm và đạt mốc 25 tỷ USD vào năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước và xấp xỉ 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam; xếp hạng top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng Thủy ghi nhận, điểm sáng của thị trường nội địa những năm vừa qua là ngày càng chuyển dịch theo hướng hiện đại, văn minh. Từ hạ tầng truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) sang hạ tầng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, logistics, thương mại điện tử), đáp ứng sự gia tăng của tầng lớp tiêu dùng trẻ và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
Hệ thống thương mại hiện đại tăng nhanh về số lượng, đóng góp xấp xỉ 30% tổng mức bán lẻ. Thương mại điện tử phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm và ước đạt 30 tỷ USD năm 2025 (chiếm xấp xỉ 15% tổng mức bán lẻ).
Đặc biệt, hiện hạ tầng thương mại ngày càng phát triển, đóng góp lớn vào kích cầu và thúc đẩy tiêu dùng. Hạ tầng thương mại hiện đại tăng nhanh với trên 1.200 siêu thị (năm 2020 khoảng 800 siêu thị) và hơn 300 trung tâm thương mại, tạo kênh tiêu thụ hiệu quả, thúc đẩy sản xuất nội địa. Thương mại điện tử trở thành một trong những kênh phân phối số quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách do đại dịch Covid-19.
“Sự phát triển mạnh của thương mại nội địa đã tạo nên môi trường hấp dẫn cho tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông sản. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng giúp cải thiện đời sống của người nông dân - đối tượng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm bậc nhất. Đồng thời, giúp người tiêu dùng được mua sắm sản phẩm với giá cả phải chăng” - chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ ghi nhận.
Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước Trần Hữu Linh:
Ba trụ cột chiến lược cần tập trung triển khai gồm hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật sát với thực tiễn thị trường; phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại, từ hệ thống logistics, mạng lưới bán lẻ hiện đại cho đến các chợ truyền thống; đồng thời nâng cao chất lượng điều hành thị trường thông qua đẩy mạnh ứng dụng số và tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành.