Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu của cá tra Việt

Năm 2024, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là điểm đến hàng đầu của cá tra Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam vượt qua năm 2024 đầy khó khăn, thách thức bằng kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD, cùng với đà tăng trưởng chậm mà chắc. Những thay đổi của thị hiếu người tiêu dùng, sự điều chỉnh của thị trường, sự biến động của các yếu tố địa chính trị, chiến tranh, cước vận tải, thuế,... là rào cản khó tránh khỏi trong bối cảnh hiện tại.

Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu của cá tra Việt
Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu của cá tra Việt. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết khiến một sản phẩm đứng vững trên thị trường nói chung và chiếm trọn lòng tin của người tiêu dùng nói riêng vẫn là chất lượng tốt, đi đôi với giá thành hợp lý. Chất lượng thành phẩm tốt đến từ quy trình sản xuất và chế biến tốt, phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để có được điều đó, trước khi vào nhà máy và bắt đầu chế biến, con cá tra thu hoạch được phải đáp ứng đủ các yêu cầu về size cỡ, không mang bệnh. Con giống tốt, được chọn lọc kỹ càng, được nuôi trong điều kiện tốt sẽ quyết định chất lượng sản phẩm cuối cùng.

Thời gian nuôi cá tra là trung bình 10 tháng, cá sẽ đạt cỡ 0,7 - 1,5 kg/con đáp ứng tiêu chuẩn cá tra thương phẩm. Thời gian nuôi dài, đòi hỏi sự kiên trì, chăm chút, tỉ mẩn, theo dõi sát sao đàn cá, kịp thời phát hiện và tách con bệnh ra khỏi đàn, đảm bảo sản lượng cho khâu chế biến, sản xuất, xuất khẩu. Vậy để sản xuất và xuất khẩu gia tăng, người nông dân chính là một động lực quan trọng. Nông dân có lãi là động lực để mở rộng ao nuôi, hạn chế tình trạng treo ao.

Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là điểm đến hàng đầu của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Riêng tháng 12/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt hơn 52 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Lũy kế xuất khẩu cá tra cả năm 2024 sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt hơn 580 triệu USD, tăng nhẹ 1,3% so với năm 2023.

Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí thứ 2, sau Trung Quốc trong Top các quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam. Tháng cuối năm 2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ đạt gần 28 triệu USD, tăng 40% so với tháng 12/2023.

Xuất khẩu cá tra sang khối thị trường được trợ lực bởi Hiệp định CPTPP cũng ghi nhận tăng trưởng 10% trong năm 2024, với hơn 274 triệu USD. Trong đó, Mexico vẫn là quốc gia đứng đầu trong khối về nhập khẩu nhiều nhất cá tra từ Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt 76 triệu USD, tăng 4% so với năm 2023.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong tháng cuối năm 2024 cũng đạt gần 16 triệu USD, tăng 18% so với tháng 12/2023. Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha,... lần lượt là Top các quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối. Tuy nhiên, khác với các quốc gia khác, riêng xuất khẩu cá tra sang Đức chứng kiến giảm 2% trong năm 2024, với giá trị đạt hơn 37 triệu USD.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang một số thị trường khác cũng đón nhận kết quả tích cực và ghi nhận tăng trưởng dương như Brazil tăng 15%, Thái Lan tăng 4%, Colombia tăng 36%,...

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, năm 2025 được coi là năm quan trọng của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam với động lực cốt lõi là người nông dân - ngư dân Việt Nam. Năm 2025 cũng hứa hẹn là năm xuất khẩu cá tra chinh phục những cột mốc mới.

 
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/trung-quoc-van-la-diem-den-hang-dau-cua-ca-tra-viet-370898.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật