Kỳ cuối: Hướng đến sản phẩm đặc thù và có chiều sâu
Qua tìm hiểu, hầu hết doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk đều thẳng thắn nhìn nhận bức tranh du lịch ở đây không có gì đặc sắc và vượt trội so với nơi khác. Bởi hiện nay tỉnh thành nào cũng có những sản phẩm du lịch tương tự, điều quan trọng là biết tìm cách nâng tầm chất lượng và định danh thương hiệu cho các sản phẩm du lịch ấy.
Doanh nghiệp trăn trở
Vấn đề đó đang được cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch ở địa phương nỗ lực triển khai thực hiện. Những vùng du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng, được du khách ưa chuộng. Chẳng hạn như sản phẩm du lịch với cà phê của Công ty Du lịch và Thương mại Đam San; trải nghiệm với “Bảo tàng ong mật” tại Khu du lịch sinh thái Suối Ong (TP. Buôn Ma Thuột); du lịch mạo hiểm trên sông Sêrêpốk của Công ty TNHH Đầu tư du lịch Trung Nguyên Healing (huyện Krông Ana); tương tác và thân thiện với voi nhà (huyện Buôn Đôn); chèo thuyền độc mộc trên hồ Lắk của Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk… Những sản phẩm đặc thù này đang được các đơn vị làm du lịch cố gắng đầu tư xây dựng, hoàn thiện theo hướng bền vững và có chiều sâu hơn. Tuy nhiên, yếu tố bền vững ở đây không phải là không có những thách thức đặt ra.
Du khách Nhật Bản trải nghiệm tour du lịch cà phê tại Công ty TNHH Anh Cà phê (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo bà Trần Thị Kim Ánh, Giám đốc Trung tâm Du lịch Buôn Đôn (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9), sản phẩm du lịch có lợi thế ở vùng đất này (như văn hóa voi, hoạt động trải nghiệm dưới nước, sinh hoạt văn hóa và lưu trú nhà sàn của người dân tộc thiểu số tại chỗ) chưa thể phát huy được về quy mô cũng như tính chất đặc thù của sản phẩm là do “vướng” vào quy hoạch đất đai. Đến nay, không riêng gì đơn vị làm du lịch nói trên thuê đất của người dân để kinh doanh, mà hầu hết các doanh nghiệp khác (Công ty Du lịch Sinh thái Bản Đôn, Công ty TNHH Du lịch Ánh Dương - Bản Đôn và Công ty TNHH Du lịch văn hóa, sinh thái Thanh Hà) cũng rơi vào tình cảnh ấy. Vì thế không ai quan tâm đầu tư về mặt kỹ thuật, hạ tầng cơ sở điểm đến, cũng như xây dựng và thiết kế sản phẩm du lịch mới để phục vụ nhu cầu ngày càng khắt khe, đa dạng của du khách.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch bền vững, ngoài sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp làm du lịch với nhau, giữa doanh nghiệp với cộng đồng cùng hệ thì rất cần những “cú hích” từ các cơ quan, ban, ngành hữu trách bằng chủ trương, giải pháp trọng tâm và kịp thời”. Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Đam San |
Với sản phẩm du lịch cà phê nói riêng (trong loại hình du lịch sinh thái, nông nghiệp nói chung) cũng được các doanh nghiệp trăn trở - để sản phẩm đặc thù và có thế mạnh này “định vị” được trong lòng du khách là vấn đề không hề đơn giản do đời sống của cộng đồng sản xuất, kinh doanh loại cây trồng này bấp bênh và thiếu ổn định. Điệp khúc "trồng - chặt" vẫn đang xảy ra do không chủ động được thị trường và chịu sự tác động ngày càng bất lợi của tự nhiên. Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Đam San cho rằng, cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê có hợp tác với các doanh nghiệp làm du lịch hay không còn tùy thuộc vào những yếu tố trên. Vì thế sức sống và sự lan tỏa của sản phẩm du lịch với cà phê không thể lâu dài nếu như người trồng cà phê không liên kết, hợp tác với doanh nghiệp làm du lịch.
Vai trò của Nhà nước
Hầu hết các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk mong mỏi Nhà nước sớm có chính sách, giải pháp củng cố và quy hoạch lại sản phẩm du lịch tại các khu điểm du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, sinh thái ở những vùng trọng điểm như Buôn Đôn, Lắk, Cư M’gar, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột. Bởi ở đó, do gặp phải một số hạn chế, khó khăn như đã nêu (là chính sách ưu đãi về đất đai, thu hút đầu tư, miễn giảm thuế) khiến hoạt động/sản phẩm du lịch chưa được kích cầu mạnh mẽ, đặc biệt là các loại hình du lịch thế mạnh và đặc thù.
Bà Trần Thị Kim Ánh, Giám đốc Trung tâm Du lịch Buôn Đôn cho rằng, vai trò của Nhà nước trong vấn đề này là giúp đỡ, hỗ trợ các đơn vị làm du lịch xây dựng và hoàn thiện sản phẩm du lịch mà mỗi doanh nghiệp đã chọn, giúp họ tự chủ phương án kinh doanh của mình. Ví như “văn hóa voi”, “văn hóa nhà dài” của các tộc người bản địa - nên có những bảo tàng, bộ sưu tập đầy đủ và phong phú để thỏa mãn nhu cầu du khách tại một số điểm đến tiêu biểu, có giá trị nhận diện cao. Theo đó, việc tái hiện chân thực và sống động không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong ngôi nhà dài, cũng như các lễ hội truyền thống gắn với diễn xướng cồng chiêng cùng nhiều yếu tố khác của người dân tộc thiểu số tại chỗ, cần phải được nghiên cứu, khai thác và hoàn thiện một cách bài bản và khoa học hơn để ngày càng có sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với Đắk Lắk.
Điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) tạo sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số tại chỗ. |
Rõ ràng, việc nghiêm túc nhận diện lại bức tranh du lịch Đắk Lắk hiện nay để có hướng đầu tư, phát triển kịp thời và đúng hướng là yêu cầu đặt ra cho cộng đồng làm du lịch ở đây cũng như các cấp, ngành có liên quan. Nếu không thì mục tiêu đặt ra trong đề án phát triển du lịch thời gian tới sẽ không đạt được như kỳ vọng, nhất là định hướng phát triển du lịch Đắk Lắk theo hướng an toàn và bền vững.
Đình Đối