5 bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa đông cần phát hiện sớm

Sức đề kháng yếu là lý do khiến trẻ dễ bị các loại virus, vi khuẩn gây bệnh tấn công vào mùa đông. Vậy trẻ thường dễ mắc bệnh gì khi thời tiết xuống thấp?

Mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp là điều kiện khiến virus, vi khuẩn phát triển gây bệnh cho con người, nhất là trẻ em. Lý do là sức đề kháng ở trẻ chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh hơn.

 
Một số virus phát triển nhanh và mạnh, thậm chí có thể lây lan tốt hơn khi không khí mát và ít ẩm hơn. Chất nhầy ở mũi có thể khô hơn, dính hơn trong những ngày mùa đông, điều này có thể ảnh hưởng đến sự lây lan của virus.
 
Ngoài ra, các thói quen ăn – ngủ thường xuyên bị thay đổi vào mùa đông, có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương hơn và kém hiệu quả trong việc chống lại nhiễm trùng.
 
Dưới đây là một số bệnh thường gặp trong mùa đông ở trẻ
 
1. Cảm lạnh thông thường
 
Cảm lạnh là một bệnh do virus gây ra, các triệu chứng thường nhẹ. Trẻ có thể bị sốt nhẹ ngay từ khi mắc bệnh. Mặc dù cảm lạnh có vẻ xảy ra thường xuyên hơn vào những tháng mùa đông, nhưng chúng cũng có thể xảy ra quanh năm. Có nhiều loại virus gây ra cảm lạnh, có thể kéo dài 5 - 14 ngày.
 
Các triệu chứng của cảm lạnh thường gặp như: Chảy nước mũi, tắc mũi, ho, đau họng, sốt, nôn ói...
 
Khi trẻ bị cảm lạnh thì cần cho trẻ nghỉ ngơi, có được sự thoải mái và điều trị hỗ trợ các triệu chứng là quan trọng. Luôn giúp cho trẻ được duy trì đủ nước. Thuốc ho và cảm lạnh thường không được khuyến cáo cho trẻ dưới 6 tuổi.
 
2. Bệnh cúm ở trẻ
 
Cúm là một virus gây nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan. Sự khởi phát của bệnh thường đột ngột và có các triệu chứng đi kèm như: Sốt cao, ho, chảy mũi, ngạt mũi, đau nhức cơ, mệt mỏi, viêm kết mạc mắt nhẹ ( đỏ mắt, ngứa). Có thể kèm theo nôn ói, tiêu chảy. Nếu các triệu chứng của cúm được phát hiện sớm, một số loại thuốc kháng virus như Tamiflu có thể hữu ích. Thuốc hoạt động tốt nhất khi được sử dụng trong 48 giờ đầu của các triệu chứng. Cách phòng ngừa và giảm các biến chứng của cúm tốt nhất là tiêm phòng cúm.
 
Sức đề kháng yếu là lý do khiến trẻ dễ bị các loại virus, vi khuẩn gây bệnh tấn công vào mùa đông.
 
3. Viêm phế quản ở trẻ
 
Thông thường bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà… cũng rất dễ bị viêm phế quản.
 
Triệu chứng thường gặp nhất là trẻ sẽ bị ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở.
 
Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường bệnh sẽ kéo dài trong 1 - 2 tuần, nếu được chăm sóc tốt sẽ khỏi hẳn. Nếu không bệnh sẽ kéo dài trong nhiều tuần liền.
 
Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi để trẻ tăng cường kháng thể. Thường xuyên giữ ấm cho trẻ (ấm ngực, chân tay, quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay). Khi trẻ bị viêm họng, viêm mũi, viêm amiđan, viêm VA thì cần được điều trị kịp thời.
 
Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng (suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi…) và có những yếu tố nguy cơ trên thì nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm.
 
4. Viêm họng do vi khuẩn
 
Là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, dễ lây lan, hay gặp vào mùa thu, mùa đông và đầu mùa xuân, đặc biệt ở trẻ nhóm từ 5 đến 15 tuổi.
 
Các triệu chứng bao gồm: Đau họng, khó nuốt, sốt, đau bụng, đau đầu, ho và chảy mũi thường không gặp trong viêm họng. Đôi khi có thể phát ban đỏ ở trẻ viêm họng do liên cầu khuẩn.
 
Viêm họng do vi khuẩn có thể điều trị dễ dàng và nhanh chóng bằng thuốc kháng sinh. Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị viêm họng do vi khuẩn, thì việc điều trị là rất quan trọng.
 
5. Tiêu chảy ở trẻ
 
Tiêu chảy virus là một trong những bệnh phổ biến của trẻ trong mùa đông. Bệnh do rotavirus gây ra và thường chỉ kéo dài trong ba đến bảy ngày. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở lứa tuổi từ 3 - 24 tháng.
 
Khi thấy trẻ bị tiêu chảy, gia đình nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Không ép trẻ ăn nhiều mà hãy để trẻ uống nước đầy đủ, dùng những dung dịch như Oresol để giúp bù lượng nước mất đi, giúp cơ thể khỏi mất sức. Nếu thấy trẻ sốt cao, phân có máu, đờm, hoặc đau bụng nhiều thì cần đi khám bác sĩ ngay.
 
Tóm lại: Để dự phòng các bệnh về mùa đông ở trẻ thì cha mẹ cần chú ý rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước các bữa ăn. Tiêm phòng cúm; Ăn các loại thực phẩm lành mạnh và uống nhiều nước; Nghỉ ngời nhiều. Không cho trẻ đến chỗ đông người, nhất là khi trẻ cảm thấy không khỏe để ngăn ngừa virus lây lan.
 
 
Theo Báo Sức khỏe đời sống
 
Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/219/196788/5-benh-thuong-gap-o-tre-tr111ng-mua-dong-can-phat-hien-som.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật