Ấm no từ chính sách dân tộc

Mỗi mùa xuân mới, về thăm những xã vùng cao trong tỉnh - nơi có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống, tôi lại cảm nhận như đang khám phá những vùng đất mới, tràn đầy sức sống. Những năm qua, nhờ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc đã tạo sức bật cho các vùng quê giảm nghèo bền vững.

 

Từ các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân xã Hiền Lương (Đà Bắc) có thêm nguồn lực đầu tư phát triển nuôi cá lồng.

Hiệu quả các chính sách

Dạo bước trên con đường mới để tận hưởng tiết trời ngày xuân tại xóm Pà Háng Lớn, xã Pà Cò (Mai Châu), điều đầu tiên thu hút tôi sau vài năm trở lại là diện mạo nông thôn đã đổi khác. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, cải tạo. Người có uy tín, người cao tuổi được quan tâm chăm sóc. Trẻ em ríu rít gọi nhau tới trường. Bà con đoàn kết, tích cực cùng cộng đồng tham gia xây dựng NTM. Khó tưởng tượng rằng, chừng 10 năm trước, đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở Pà Cò còn muôn vàn khó khăn bởi thiếu nước sạch, không có đường giao thông thuận tiện.

Đồng chí Hà Tuấn Hải, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mai Châu cho biết: Được sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của T.Ư và các cấp, ngành, đoàn thể về sinh kế, cơ sở hạ tầng thiết yếu... đã tạo điều kiện giúp đời sống người dân 2 xã Hang Kia, Pà Cò có những chuyển biến mạnh mẽ. Gần đây nhất, tiếp tục thực hiện dự án phát triển KT-XH đồng bào dân tộc Mông tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò giai đoạn 2021 – 2025, với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, 2 con đường nội xóm tại 2 xã được cải tạo, nâng cấp và hoàn thành thi công. Có đường thuận tiện hơn, bà con dân tộc Mông nơi đây phấn khởi, sum vầy đón Tết cổ truyền ấm áp.

Đầu năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh, xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ dân số, diện tích 2 xã Yên Quang và xã Phúc Tiến. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, xã đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, tích cực hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM. Với sự đồng thuận cao của hệ thống chính trị và người dân, xã đã về đích NTM theo đúng lộ trình. Hệ thống đường giao thông trục xã được bê tông hóa, rải nhựa 100%; đường trục xóm bê tông hóa trên 81%. Nhà văn hóa các xóm được cải tạo đáp ứng nhu cầu; điện lưới ổn định. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT hằng năm tăng; xã có 2 trường học đạt chuẩn quốc gia...

Đồng chí Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Tiến cho biết: Những năm trước, nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình 135 đã góp phần giúp xã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và vươn lên trở thành xã NTM. Thành quả này cũng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và các chủ trương, chính sách đồng bộ trong phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS nói chung và đối với xã nói riêng. Bước sang năm mới với khởi đầu mới, xã đặt mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt; tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn trên địa bàn.

Giúp đồng bào vươn lên, góp phần phát triển quê hương

Những năm qua, phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt chú trọng thông qua việc đề ra các nghị quyết, đề án, kế hoạch và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của T.Ư phù hợp, linh hoạt với thực tiễn ở mỗi địa phương. Ngoài nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của T.Ư, một số chính sách đặc thù của tỉnh như: Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh; dự án phát triển KT-XH 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) cũng phát huy hiệu quả. Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã, thôn, bản ĐBKK. Việc triển khai đồng bộ các chương trình, dự án đã giúp hàng chục nghìn lượt hộ thoát nghèo, bình quân mỗi năm giảm 3,21% hộ nghèo (vượt chỉ tiêu đề ra). Tỷ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK còn khoảng 23%.

Nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án đã tạo chuyển biến quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS tại nhiều địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 73/129 xã đạt chuẩn NTM; có 309 trường học đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Xã thuộc diện khu vực ĐBKK còn khoảng 39%/tổng số xã, phường, thị trấn. Hàng năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%. Công tác chăm sóc sức khỏe bà con vùng DTTS được tăng cường, mạng lưới y tế mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng đảm bảo.

Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Các dự án, chính sách đặc thù của tỉnh đã góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh ở các thôn, bản ĐBKK, thúc đẩy phát triển KT-XH, cải thiện đời sống người dân. Trong đó, đáng mừng là tinh thần tự lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển. Con em ĐBDTTS được tạo điều kiện tốt nhất để đến trường, hưởng nhiều chính sách ưu đãi về học phí, hỗ trợ học tập. Từ những thành quả quan trọng đã đạt được, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy vùng ĐBDTTS phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

 

Thu Hằng

 

 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/174191/Am-no-tu-chinh-sach-dan-toc.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật