Theo tờ Wall Street Journal, khi được hỏi tuần trước liệu ông có từ chức nếu được Tổng thống đắc cử Donald Trump yêu cầu hay không, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã trả lời ngắn gọn bằng một từ: "Không". Ông cũng trả lời như vậy khi được hỏi liệu tổng thống có thẩm quyền sa thải ông hay không.
Ông Powell, một tiến sĩ luật tại Đại học Georgetown, sau đó đã bị báo giới Mỹ ép giải thích lý do của mình. Ông đã đưa ra một câu trả lời ngắn gọn khác: "Vì luật pháp không cho phép".
Theo tờ Wall Street Journal, những lời đáp trả "không do dự" của ông Powell đã phơi bày viễn cảnh rằng bất kỳ nỗ lực nào buộc ông phải từ chức có thể sẽ kết thúc bằng một cuộc chiến pháp lý "chưa từng có". Nhưng đây là một cuộc chiến mà các nhà lãnh đạo Fed đã chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Chủ tịch FED Jerome Powell (phải) đã dành nhiều năm chuẩn bị cho một cuộc "chiến tranh pháp lý" với ông Donald Trump. Ảnh: Vanity Fair |
Hồi năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã từng bày tỏ sự tức giận với FED, khi cơ quan này đã tăng lãi suất trái với mong muốn của ông, và thậm chí đã từng đe dọa sẽ sa thải Chủ tịch Powell. Tuy nhiên, theo nguồn tin của tờ Wall Street Journal, chính ông Powell sau đó đã tuyên bố với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin rằng ông sẽ “đấu tranh đến cùng” để không bị bãi nhiệm.
Mặt khác, trong thời gian gần đây, ông Trump cũng chưa bao giờ ám chỉ rằng ông có kế hoạch để tìm cách “loại bỏ” ông Powell. Khi được hỏi về ông Powell trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News vào tháng 6 vừa qua, ông Trump đã nói: "Tôi sẽ để ông ấy phục vụ, đặc biệt là nếu tôi nghĩ rằng ông ấy đang làm điều đúng đắn".
Tuy vậy, nhiều cố vấn và đồng minh trong đội ngũ của ông Trump tìm cách đấu tranh và thách thức Chủ tịch FED. Họ cho rằng FED và những người ủng hộ FED ở Washington và Phố Wall đã biến sự độc lập của cơ quan này thành một thứ để “tôn sùng”, đồng thời cho rằng điều này không được Hiến pháp Mỹ ủng hộ và không tốt cho nền kinh tế.
Vài giờ sau tuyên bố của ông Powell vào tuần trước, Thượng nghị sĩ Mike Lee, một đồng minh của ông Trump, đã chia sẻ một bài báo trên mạng xã hội X, với bình luận cho rằng FED nên “nghe theo” Nhà trắng. "Đây là một lý do nữa để chúng ta nên chấm dứt FED”, ông Lee khẳng định.
Hơn nữa, biến động lạm phát gia tăng cũng có thể “châm ngòi” xung đột giữa FED và chính quyền của ông Trump, nếu các chính sách của Tổng thống đắc cử gây ra lo ngại về lạm phát. Ví dụ, nếu các nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát cao từ các chính sách cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và thuế quan mới của ông Trump, FED có thể giữ lãi suất cao hơn mức bình thường.
Theo Luật pháp Mỹ, 7 thành viên trong Hội đồng thống đốc của FED được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm với nhiệm kỳ 14 năm, và sau đó phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Luật pháp Mỹ cũng quy định rằng một thành viên trong Hội đồng chỉ có thể bị cách chức vì lý do chính đáng, cụ thể là có “hành vi sai trái” hoặc “trốn tránh nhiệm vụ”.
Một bộ luật khác cho phép Tổng thống Mỹ chỉ định 1 trong 7 thành viên trong Hội đồng làm Chủ tịch FED với nhiệm kỳ 4 năm, và cũng phải được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, bộ luật này lại không nói rõ về cách thức, cũng như lý do để bãi nhiệm Chủ tịch cơ quan này.
Bản thân ông Trump cũng từng thừa nhận rằng luật pháp Mỹ chưa rõ ràng về khả năng sa thải Chủ tịch FED, dù đã nhiều lần nói rằng ông có “thẩm quyền” để làm vậy. Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago vào tháng trước, ông Trump khẳng định: "Tôi từng đe dọa sẽ sa thải ông Powell nhưng liệu có thể làm thế được hay không?".
Hồi tháng 4 năm 2019, sau khi các cố vấn nói nói rằng ông không thể sa thải Chủ tịch FED, ông Trump đã gọi điện cho ông Powel và nói rằng: "Tôi nghĩ là tôi bị “mắc kẹt” với ông rồi". Vài tháng sau, ông Trump đã đưa ra ý tưởng giáng chức ông Powell, và đề cử một thống đốc Fed khác làm chủ tịch, nhưng điều này không thành hiện thực.
Lúc đó, ông Powell đã giữ vững lập trường của mình. Khi được một nhà lập pháp hỏi về ý định sa thải của ông Trump, ông Powell đã trả lời: “Tất nhiên là tôi sẽ không rời đi. Câu trả lời của tôi sẽ là không". Cũng trong năm đó, ông khẳng định quan điểm của mình đối với một vị khách đến thăm nhà: “Tôi sẽ không bao giờ tự nguyện rời bỏ công việc này cho đến khi nhiệm kỳ của tôi kết thúc, dưới bất kỳ trường hợp nào. Tôi không hề nghĩ rằng sẽ có bất kỳ tình huống nào mà tôi không thể hoàn thành nhiệm kỳ của mình, ngoại trừ cái chết".
Tờ Wall Street Journal nhận định, viễn cảnh một “cuộc chiến tranh pháp lý”, dù phải trả bằng tiền túi, là điều bắt buộc đối với ông Powell. Theo trang báo, điều này là để duy trì khả năng nắm quyền của các Chủ tịch FED trong tương lai, mà không bị đe dọa cách chức vì tranh chấp chính sách.
Chia sẻ với Wall Street Journal, cựu cố vấn FED Scott Alvarez tuyên bố: “Nếu Tổng thống Trump thành công trong việc cách chức ông Powell, điều đó có nghĩa là mọi chủ tịch tương lai đều có thể bị cách chức theo ý muốn. Tôi không nghĩ đó là tiền lệ mà ông Powell muốn thiết lập, và đó là lý do tại sao tôi nghĩ ông ấy sẽ chống lại nó”.
Bàn luận về khả năng “thắng cuộc” của ông Powell, ông Alvarez khẳng định: “Lập luận cho rằng ông Powell không thể bị giáng chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ là khá mạnh mẽ. Hơn nữa, các thẩm phán Tòa án Tối cao của Mỹ là Brett Kavanaugh và Samuel Alito cũng đã nhiều lần cho rằng FED là cơ quan độc lập nhất trong số các cơ quan quản lý liên bang.”
Đầu năm nay, ông Powell cũng đã bác bỏ những lo ngại về những thách thức tiềm ẩn đối với tính độc lập của FED, kể cả sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin rằng các đồng minh của Trump đang soạn thảo các ý tưởng để làm giảm tính tự chủ của cơ quan này. Khi được hỏi vào tháng 5, ông Powell đã chỉ ra sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội Mỹ đối với một FED độc lập, kết luận rằng: “Vì vậy, tôi ít lo lắng về điều đó hơn những gì báo chí đưa tin gần đây”.
Ông Powell cũng đã nhiều lần nói rằng mục tiêu của ông là duy trì một FED vượt qua sự chia rẽ chính trị, bằng cách tập trung vào những phân tích chặt chẽ, dựa trên dữ liệu thực. Trong một buổi phỏng vấn vào tháng 3, ông Powell khẳng định: “Tôi cảm thấy có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tổ chức này”.