Thực tế tại trạm y tế “đạt chuẩn”
Sau cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, Minh Châu vẫn là xã đảo duy nhất của Hà Nội.
Nhìn từ trên cao, Minh Châu nổi lên như một hòn đảo xanh ngắt vây quanh bởi sóng nước mênh mang nâu đậm của sông Hồng. Phương tiện kết nối giữa Minh Châu với Thủ đô chủ yếu là phà hoặc người dân có thể chọn di chuyển qua đập tràn về phía tỉnh Phú Thọ, tuy nhiên, quãng đường xa gấp nhiều lần.
Xã đảo Minh Châu biệt lập giữa sông Hồng |
Cuộc sắp xếp lại giang sơn không mang đổi thay quá nhiều cho Minh Châu về mặt địa lý nhưng đưa đến rất nhiều thay đổi về mặt tổ chức chính quyền và hành chính phục vụ.
Nhiều cán bộ trẻ, nhiệt huyết, trình độ cao xung phong về công tác tại xã đảo với mong muốn cháy bỏng là đưa vùng đất này phát triển xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của nó. Đến nay, sau 2 tuần vận hành chính quyền 2 cấp, người dân Minh Châu đã cảm nhận được sự chuyển mình rõ rệt trong công việc; đồng thời, cũng hứa hẹn sự bứt phá mạnh mẽ trong tương lai gần.
Duy có một điều chưa mấy suy chuyển tại Minh Châu. Đó là dịch vụ y tế, công tác chăm sóc sức khỏe dành cho 6.600 người dân của xã đảo.
Bác sĩ Lê Thị Lộc, Trạm trưởng Trạm y tế Minh Châu bên máy siêu âm được sản xuất 15 năm trước, “lúc hoạt động, lúc không” |
Bác sĩ Lê Thị Lộc, Trạm trưởng Trạm y tế Minh Châu chia sẻ: “Năm 2018, trạm y tế xã Minh Châu được Bộ Y tế chọn là phòng khám bác sĩ gia đình điểm. Tuy nhiên, thực tế là trạm chỉ có mỗi cái nhà to, ngày trước được xây cao là để phòng nước lũ. Còn lại thì thiếu thốn đủ bề, nghĩ mà tủi thân”.
Theo bác sĩ Lộc, trong những năm gần đây, dẫu tình hình kinh tế xã hội ổn định, thu nhập của bà con xã đảo tăng lên, song, vẫn còn ở mức thấp. Xuất phát từ kinh tế còn thiếu thốn, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, dân trí còn nhiều hạn chế, bệnh tật hàng năm chủ yếu là các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ dinh dưỡng.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ em tại Trạm y tế xã Minh Châu |
Hiện tại, Trạm y tế xã Minh Châu có 8 nhân sự, trong đó, có 2 bác sĩ. “Một bác sĩ trẻ xin chuyển đến đơn vị khác nhưng chưa được đồng ý”, bác sĩ Lộc tiết lộ và cho biết thêm, máy móc tại trạm y tế chỉ đơn giản là một thiết bị đo huyết áp và một máy siêu âm được sản xuất 15 năm trước “lúc hoạt động, lúc không”.
Với điều kiện thiếu hụt về cơ sở vật chất và nhân lực, Trạm y tế xã Minh Châu chủ yếu thăm khám đối với các bệnh lý thông thường hoặc thực hiện chức năng cấp phát methadone. Khi bệnh nặng, bệnh nhân phải qua đò hoặc qua đập tràn mùa nước cạn để đến cơ sở y tế tuyến trên.
Sinh ra và công tác hàng chục năm tại xã đảo, bác sĩ Lộc nhiều lần trăn trở khi chứng kiến một số trường hợp cấp cứu vào lúc đêm khuya hoặc trời mưa bão, gió to sóng lớn thuyền không sang sông. Những lúc ấy, tính mạng của người bệnh như chỉ như mành treo chuông.
Người dân mong chờ dịch vụ y tế
Ông Nguyễn Tài Thúc (SN 1953, trú tại khu 4, thôn Chu Chàng) là pho sử sống về xã Minh Châu. Ông Thúc kể rằng, các cụ nhà ông vốn sinh sống tại xã Chu Minh, nằm bên bờ sông Hồng. Hàng trăm năm trước, dải đất nằm ở ngã ba sông Hồng, sông Đà và sông Lô cứ bồi lấp dần, mỗi năm lại rộng thêm hàng chục hecta.
Người dân Chu Minh vốn giỏi nghề sông nước nên đánh bạo bơi thuyền sang trồng cấy tại khu đất mới. Dần dà, một người lại thêm nhiều người, hình thành xóm làng trên đảo. Đến năm 1955, xã Minh Châu được thành lập với 3 thôn: Chu Chàng, Chu Châu và Liễu Châu. Khoảng năm 1972, thôn Liễu Châu sáp nhập với thị trấn Tây Đằng nên Minh Châu hiện chỉ còn 2 thôn.
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô trao đổi với ông Nguyễn Tài Thúc về hiện trạng chăm sóc y tế tại xã Minh Châu |
“Trước đây, việc chăm sóc y tế, sức khỏe đối với những người dân Minh Châu là điều hiếm hoi. Hàng năm, huyện Ba Vì (cũ) cũng tổ chức khám bệnh đôi lần nhưng không đại trà. Bệnh viện tuyến huyện chỉ cách 5km nhưng lại rất xa xôi với người dân Minh Châu. Lý do là vì ngăn sông cách đò. Do đó, chúng tôi lúc nào cũng ở trong tình trạng thiếu thốn về mặt y tế”, cựu chiến binh Nguyễn Tài Thúc bày tỏ.
Vừa mới trải qua trận ốm, ông Nguyễn Danh Tâm (SN 1949, thôn Chu Chàng) cũng gật đầu đồng tình: “Mấy hôm trước, tự dưng tôi cảm thấy rất mệt mỏi, cơ thể yếu đuối, chân tay run rẩy. Tôi tự nghĩ rằng mình bị viêm nhiễm gì đó nên cứ uống kháng sinh. Khi đến khám tại trạm y tế, tôi mới biết là bị sốt virus và không được uống kháng sinh. Không được tiếp cận với dịch vụ y tế khổ thế đấy!”.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, nói rằng, Sở Y tế đã nắm được tình hình về việc khám, chữa bệnh tại xã đảo Minh Châu. Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo Bệnh viện Ba Vì quan tâm, hỗ trợ xã đảo Minh Châu; đồng thời, nâng cấp phầm mềm hỗ trợ y tế tại xã đảo này.
Được biết, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ y tế cho người dân, ngày 19/7 tới đây, tại xã đảo Minh Châu sẽ diễn ra sự kiện “Hành trình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2025”. Sự kiện này do xã Minh Châu chủ trì, phối hợp với các bệnh viện lớn của Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, Nhà thuốc Long Châu, Tiêm chủng Long Châu, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp thực hiện.
Mục tiêu của “Hành trình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2025” là khám tổng quát cho toàn bộ 6.600 người dân xã đảo Minh Châu, từ đó, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, đưa xã đảo mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới cùng Thủ đô và đất nước.
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu, cho biết: Trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người đứng đầu Đảng nhiều lần nhấn mạnh về vai trò của chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế dành cho Nhân dân. Về những định hướng trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, trước yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển nhanh và bền vững. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân cần hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc.
Đối với xã Minh Châu, đồng chí Nguyễn Đức Tiến bày tỏ kỳ vọng sự kiện “Hành trình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2025” sẽ hỗ trợ người dân biết rõ về tình trạng sức khỏe của bản thân hoặc phát hiện những triệu chứng ẩn giấu của những bệnh lý nặng để điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, sự kiện này còn là bước quan trọng để xây dựng Minh Châu trở thành xã thông minh, khi áp dụng các công nghệ tiên tiến, các thiết bị hiện đại vào công tác khám chữa bệnh; đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu cho sổ tay sức khỏe điện tử, phục vụ cho việc chăm sóc lâu dài cho người dân. |