Chuyển đổi xanh tạo giá trị bền vững trong khởi nghiệp

Năm 2024, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ có những sáng kiến xuất sắc trong việc cải thiện quy trình sản xuất; các dự án, ý tưởng sản xuất, kinh doanh sản phẩm dịch vụ mới sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Qua đó, nâng cao nhận thức của phụ nữ về kinh tế xanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Tại Đắk Lắk, cuộc thi được Hội LHPN tỉnh tổ chức đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia với 102 ý tưởng, dự án. Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ, cuộc thi đã tạo sân chơi bổ ích và trở thành nơi giao lưu, học hỏi, kết nối giữa các chị em khởi nghiệp cùng ý chí, dám vượt qua “vùng an toàn” của bản thân. Giá trị lớn nhất của cuộc thi không đến từ giải thưởng mà chính là được nhận nhiều sự động viên, khích lệ tinh thần, cũng như những lời khuyên, tư vấn có giá trị từ các thành viên Ban giám khảo, giúp khắc phục những khiếm khuyết để dự án được hoàn thiện hơn. Đồng thời, góp phần thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp, đúng với tinh thần và yêu cầu mà Hội LHPN tỉnh kỳ vọng.

Có thể thấy rằng, cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp trong những năm qua là điều kiện để đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh trong giai đoạn hiện nay. Các dự án khởi nghiệp sáng tạo qua các năm của hội viên phụ nữ đã chứng thực điều này.

Cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan mô hình sản xuất rau an toàn của phụ nữ xã Ea Na (huyện Krông Ana).

Đơn cử trong năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã nhận được 84 ý tưởng, dự án khởi nghiệp kinh doanh phát huy tài nguyên bản địa. Trong đó có 2 dự án đoạt giải thưởng cấp vùng và 1 dự án đoạt giải Nhất cấp quốc gia. Ở cấp tỉnh cũng trao 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba cho các dự án tốt, có tính khả thi.

Hầu hết các dự án khởi nghiệp của phụ nữ đều mang đặc trưng riêng, hướng đến tạo ra những sản phẩm xanh, chỉ dẫn địa lý tin cậy về nguồn gốc và phương thức sản xuất, tiệm cận với các yêu cầu của chuyển đổi xanh. Một trong số đó có thể kể đến như “Sản phẩm dinh dưỡng từ hạt Kơ nia” của chị Nguyễn Thị Ngọc Thắng; “Trà thảo mộc cô Ngát Natural” của chị Hoàng Thị Ngát (TP. Buôn Ma Thuột); dự án “Phát triển nước ca cao lên men” của chị Nguyễn Hồng Thương (huyện Ea Kar)…

Từ sau khi nhận được giải Nhất toàn quốc Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa và có cơ hội được ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội về đầu tư kinh doanh và cung ứng, sử dụng dịch vụ để góp phần nâng cao vị thế sản phẩm, mở rộng thị trường phân phối đối với các sản phẩm từ hoa cà phê, chị Bùi Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH FARMFOOD (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn không ngừng tìm tòi để mở rộng vùng nguyên liệu.

Theo chị Kim Anh, chuyển đổi xanh không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi quy trình sản xuất. Chính vì vậy, để dự án “Sản xuất và chế biến sản phẩm trà từ hoa cà phê” phát triển bền vững, trước tiên cần giúp bà con nông dân hiểu về khái niệm nông nghiệp sạch. “Vấn đề của chúng tôi không chỉ là việc thu mua được đủ số nguyên liệu mà phải thay đổi tập quán canh tác của bà con từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ, tạo ra vùng nguyên liệu sạch và bền vững”, chị Kim Anh cho hay. Để giải quyết vấn đề này, chị đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, cung cấp cây giống, phân bón, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất điểm, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm với giá phù hợp để tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ địa phương tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024.

Tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp và hành trình chuyển đổi số năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh đã nhận định, phong trào phụ nữ khởi nghiệp những năm qua có nhiều điểm sáng và đổi mới, thể hiện vai trò của phụ nữ đóng góp tích cực vào công cuộc tăng trưởng xanh của đất nước.

Và để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển bền vững trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh, các cấp hội cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, những yêu cầu của nền kinh tế xanh trong xu thế hội nhập nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ đối với vấn đề khởi nghiệp; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận các dịch vụ, nguồn vốn vay ưu đãi; phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp nữ với chính quyền các cấp trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm huy động nội lực của phụ nữ trong tỉnh giúp nhau khởi nghiệp, làm giàu chính đáng.

Bên cạnh đó, hội viên phụ nữ cần chủ động tích cực học hỏi, tự tin, mạnh dạn đổi mới, chấp nhận sự thay đổi để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cho cộng đồng; tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu.

Vân Anh

Nguồn: http://baodaklak.vn/xa-hoi/202407/chuyen-doi-xanh-tao-gia-tri-ben-vung-trong-khoi-nghiep-6b61a33/
Tin liên quan