Đồi chè thôn Tân Phú, xã Phú Thành (Lạc Thủy) tạo nhiều việc làm cho lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.
Đồng chí Trần Minh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Đảng bộ xã có 14 chi bộ với 416 đảng viên. Cấp ủy, chính quyền xã chú trọng lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao, phát triển công nghiệp, dịch vụ, sản xuất hàng hóa. Đồng thời, huy động nguồn lực xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, tạo thuận lợi phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn”.
Với lợi thế nằm ở cửa ngõ của huyện Lạc Thủy, có đường Hồ Chí Minh chạy qua, đất đai bằng phẳng, hạ tầng điện, nước, giao thông thuận lợi, dân cư đông đúc, Phú Thành đã khai thác lợi thế sẵn có, chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả, ngành hàng đa dạng, có chiều sâu. Trên địa bàn có 226 cơ sở kinh doanh, dịch vụ thương mại, đa dạng về hình thức, mẫu mã hàng hóa…
Hiện, toàn xã duy trì 355 ha lúa, năng suất 57 tạ/ha, ngô 358 ha, các loại rau màu, cây trồng khác đạt năng suất cao. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xã định hướng đẩy mạnh phát triển cây chè với tổng diện tích 144,2 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa đến các thị trường lớn trong nước và nước ngoài như: Trung Quốc, Đài Loan... Cây ăn quả có múi trên 230 ha, tạo dựng được thương hiệu như: bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam… được thị trường đón nhận. Về phát triển chăn nuôi, toàn xã có 1.505 con trâu, bò, trên 6.100 con lợn, 259.000 gia cầm, 860 con dê, trong đó có 4 trang trại bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định.
Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xã Phú Thành tổ chức các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi, đồng thời triển khai các chương trình vay vốn, ủy thác qua các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ từ Ngân hàng CSXH đạt trên 61 tỷ đồng, Ngân hàng NN&PTNT đạt trên 86 tỷ đồng. Làng nghề chế tác đá cảnh thôn Sỏi có 40 hộ kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi - Thăng Long chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm chè với diện tích trên 200 ha, sản lượng mỗi năm trên 3.000 tấn, lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/ha, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Thăm đồi chè bát ngát của Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi - Thăng Long tại thôn Tân Phú, anh Trần Việt Dũng, Đội trưởng Đội sản xuất số 6 của công ty cho biết: "Đội sản xuất gần 100 người, canh tác hơn 60 ha chè tại khu vực thôn Tân Phú và vùng lân cận với sản lượng hàng năm đạt trên 1.000 tấn. Lao động của công ty được đào tạo bài bản về quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn lao động, thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động được công ty thực hiện đầy đủ”.
Qua nhiều nỗ lực, Đảng bộ, chính quyền xã Phú Thành đã lãnh đạo, chỉ đạo thay đổi bộ mặt nông thôn. Tại các cuộc họp, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn vận động người dân thay đổi nhận thức, đóng góp xây dựng quê hương vì lợi ích chung. Nhiều hộ đã hiến đất, vật liệu nhằm cải tạo, mở rộng các tuyến đường, hàng lang giao thông. Đến nay, đường về đến các xóm cơ bản hoàn thiện, tạo nhiều thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa. Thu nhập bình quân toàn xã đạt 73,8 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%.
Hoàng Anh