Để tồn tại, phát triển trong nghề, nhà báo trẻ phải thực sự giỏi

Với vai trò là Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô trong một thời gian dài, nhà báo, giảng viên, TS Nguyễn Quang Hòa đã trải qua nhiều thách thức và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của tờ báo. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập báo Tuổi trẻ Thủ đô, 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3), chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về những kinh nghiệm và sự thay đổi của báo chí trong kỷ nguyên số hiện nay.

PV: Thưa ông, với vai trò là Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô một thời gian dài, ông có thể chia sẻ về những câu chuyện, kỷ niệm trong quá trình công tác tại tờ báo này?

TS Nguyễn Quang Hòa: Tôi về báo Tuổi trẻ Thủ đô trong bối cảnh rất đặc biệt. Báo vừa bị đình bản và gần hết thời hạn 3 tháng. Khi ấy, tôi đang là Trưởng ban Thư ký Tòa soạn Báo Hànộimới với chế độ đãi ngộ tốt, công việc ổn định. Tuy nhiên, trước sự động viên của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, tôi quyết định nhận nhiệm vụ tại báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Khó khăn lớn nhất lúc đó là tờ báo không còn khách hàng. Trước đây đã khó bán, bị đình bản 3 tháng thì gần như không ai đặt mua báo nữa. Khi phát hành lại, chúng tôi phải tìm cách thuyết phục các cơ sở Đoàn tại Hà Nội ủng hộ nhưng cũng không phải nơi nào cũng mua. Số lượng phát hành thấp dẫn đến doanh thu hạn chế, trong khi đó, báo có 27 cán bộ, phóng viên nhưng chỉ có 4 người thuộc biên chế được cấp lương, còn lại phải tự túc.

Trong giai đoạn đầu, tôi thậm chí phải mang tiền gia đình để hỗ trợ tòa soạn trả lương cho anh em. Việc tìm kiếm quảng cáo trong bối cảnh phát hành ít là vô cùng khó khăn. Tôi đã cố gắng vận động các mạnh thường quân đầu tư nhưng không dễ dàng. Sau nhiều thử nghiệm, chúng tôi quyết định cho ra đời ấn phẩm phụ “Tuổi trẻ và Đời sống” và may mắn thay đây là bước ngoặt giúp báo có lợi nhuận.

Bên cạnh đó, tôi mời những cây bút phóng sự nổi tiếng như: Đỗ Doãn Hoàng, Dương Thị Bình, Đào Tuệ Linh cộng tác, nâng cao chất lượng nội dung. Tôi cũng hợp tác với một số công ty tư nhân để phát triển kinh tế nên báo cũng dần đi vào ổn định hơn.

Nhà báo, giảng viên, TS Nguyễn Quang Hòa, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô
Nhà báo, giảng viên, TS Nguyễn Quang Hòa, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô

PV: Theo ông, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đóng góp như thế nào vào việc phản ánh và thúc đẩy sự phát triển của thế hệ trẻ cũng như góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội?

TS Nguyễn Quang Hòa: Trong các cuộc giao ban của Trung ương Đoàn và Thành đoàn Hà Nội, báo Tuổi trẻ Thủ đô luôn được đánh giá cao vì có diện tích các bài viết về phong trào thanh niên trên mặt báo nhiều nhất trong hệ thống báo chí của Đoàn. Báo không chỉ phản ánh các phong trào Đoàn mà còn góp phần thúc đẩy phong trào bằng những bài viết sâu sắc, truyền cảm hứng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những tin bài về công tác Đoàn - Hội - Đội; tấm gương người tốt - việc tốt; những người trẻ khởi nghiệp; vượt khó vươn lên; những vấn đề nóng hổi của đời sống xã hội, giới trẻ...

Đại diện Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tặng hoa chúc mừng TS Nguyễn Quang Hòa trong buổi ra mắt 2 cuốn sách mới (tháng 1/2025)
Đại diện Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tặng hoa chúc mừng TS Nguyễn Quang Hòa trong buổi ra mắt 2 cuốn sách mới (tháng 1/2025)

PV: Sau 40 năm, ông nhận thấy báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có những thay đổi như thế nào về phương thức hoạt động và phát triển?

TS Nguyễn Quang Hòa: Khi tôi tiếp nhận tờ báo, Tuổi trẻ Thủ đô chỉ là một tờ báo in đen trắng, mỗi tuần một số với chất lượng in rất kém. Tôi đã quyết định nâng số kỳ xuất bản từ một lên 2, rồi 3 kỳ mỗi tuần; đồng thời chỉ đạo thiết kế, trình bày lại cho tờ báo nhìn hiện đại hơn, thay nơi in ấn có chất lượng cao hơn và in 8/16 trang màu.

Hiện nay, báo Tuổi trẻ Thủ đô phát triển mạnh hơn rất nhiều cả về số lượng bạn đọc và đội ngũ cán bộ, phóng viên. Báo Tuổi trẻ Thủ đô điện tử cũng đã sớm ra đời, ghi dấu ấn trong làng báo và bạn đọc, nhất là độc giả trẻ. Tờ báo có đội ngũ phóng viên giỏi, những người cũ từ thời tôi còn công tác và bổ nhiệm giờ đều cứng cáp hơn. Báo có thêm các văn phòng đại diện ở nhiều tỉnh thành; làm truyền thông và quảng cáo rất tốt. Bên cạnh đó, báo còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động an sinh xã hội, truyền thông thương hiệu, nâng cao uy tín tờ báo.

Tôi thực sự vui mừng khi thấy những gì mình từng trăn trở, làm dang dở thì giờ mọi người đang làm rất tốt.

TS Nguyễn Quang Hòa cùng sinh viên
TS Nguyễn Quang Hòa cùng sinh viên

PV: Thưa ông, những kinh nghiệm trong quá trình làm báo và khi đảm nhiệm vị trí Tổng Biên tập tại báo Tuổi trẻ Thủ đô đã giúp ích như thế nào cho công việc nghiên cứu, viết sách và giảng dạy của ông?

TS Nguyễn Quang Hòa: Tôi không chỉ tích lũy kinh nghiệm từ báo Tuổi trẻ Thủ đô mà còn từ hơn 20 năm làm báo tại Hànộimới. Những kinh nghiệm này giúp tôi rất nhiều khi nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau này là Đại học Văn Lang, Đại học Hòa Bình…

Trong quá trình giảng dạy, tôi nhận ra môn Biên tập báo chí chưa có giáo trình, nên đã đăng ký đề tài khoa học và viết một cuốn sách về biên tập báo chí. Hiện nay, cuốn sách này đã trở thành giáo trình chung cho các trường đại học có chuyên ngành báo chí trên cả nước.

Tương tự, vì yêu thích và xác định được tầm quan trọng của thể loại phóng sự báo chí, tôi cũng viết giáo trình về thể loại này... Cả 2 cuốn này đều đã được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tái bản 3 lần. Đến nay, tôi đã xuất bản 12 cuốn sách chủ yếu đều nhờ tích lũy kinh nghiệm và nghiên cứu những năm làm báo. Có thể nói, kinh nghiệm làm báo giúp tôi giảng dạy sinh động hơn, không bị phụ thuộc vào lý thuyết khô khan và có bút lực viết sách dồi dào hơn.

Để tồn tại, phát triển trong nghề, nhà báo trẻ phải thực sự giỏi
Được sinh viên yêu mến là niềm hạnh phúc của người làm thầy, làm báo như ông
Được sinh viên yêu mến là niềm hạnh phúc của người làm thầy, làm báo như ông

PV: Ông nhận thấy sự khác biệt ra sao giữa các nhà báo thuộc thế hệ của mình và những nhà báo trẻ hiện nay? Ông có thông điệp nào dành cho các nhà báo trong kỷ nguyên số?

TS Nguyễn Quang Hòa: Các nhà báo ngày nay giỏi hơn thế hệ nhà báo chúng tôi trước đây, một phần nhờ có internet và các công cụ hỗ trợ hiện đại. Việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn, phương tiện kỹ thuật số giúp họ tác nghiệp thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cạnh tranh trong nghề cũng khốc liệt hơn, đặc biệt là với sự bùng nổ của mạng xã hội.

Để tồn tại và phát triển trong nghề, nhà báo trẻ phải thực sự giỏi không chỉ về kỹ năng viết mà còn về tư duy báo chí, đạo đức nghề nghiệp. Tôi thấy nhiều sinh viên báo chí, nhà báo trẻ hiện nay còn thiếu sự chủ động học tập nâng cao tay nghề, chưa tự tin viết các thể loại quan trọng như phóng sự, bình luận, phỏng vấn.

Một nhà báo muốn thành công không chỉ viết giỏi mà còn phải có kế hoạch truyền thông cho chính mình, biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân, tìm ra những vấn đề xã hội cần được báo chí phản ánh và tạo ra sự thay đổi. Nếu chỉ dừng lại ở các bài phản ánh đơn thuần, họ rất dễ bị đào thải.

Báo chí không thể là những bài viết hời hợt mà phải thực sự phải tác động đến xã hội. Những nhà báo dám dấn thân vào các thể loại khó như phóng sự điều tra, bình luận sâu sắc, phỏng vấn chuyên sâu mới có thể tạo được chỗ đứng trong nghề.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ về những câu chuyện và góc nhìn quý giá!

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Lê Dung
Nguồn: http://tuoitrethudo.com.vn/https://tuoitrethudo.vn/de-ton-tai-phat-trien-trong-nghe-nha-bao-tre-phai-thuc-su-gioi-274190.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật