Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần giúp người tiêu dùng dần thay đổi thói quen, suy nghĩ, ngày càng tin dùng hàng Việt.

Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) và Hội Nông dân huyện Tân Lạc vừa phối hợp khai trương cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn huyện Tân Lạc, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận sản phẩm OCOP, VietGap của địa phương.
Là đơn vị tiên phong triển khai thực hiện CVĐ "Người  Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, siêu thị Vì Hòa Bình (thuộc Công ty CPTM Định Nhuận, TP Hòa Bình) đã nỗ lực đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Hiện nay, siêu thị có tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm khoảng 90%, có một số sản phẩm OCOP, phần lớn đều được người tiêu dùng Hòa Bình ưu tiên lựa chọn. 
 
Theo bà Phạm Thị Nhuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CPTM Định Nhuận, những năm qua, công ty luôn ưu tiên và dành tới 90% lượng hàng hóa phân phối, trưng bày tại mạng lưới bán buôn, bán lẻ là hàng Việt. Công ty còn phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng Việt đến hơn 1.000 cửa hàng, điểm bán lẻ trên toàn tỉnh, rải đều ở khu vực nông thôn, vùng sâu, xa. Bên cạnh đó, công ty tích cực tham gia các hoạt động bán hàng Việt khuyến mãi, bình ổn giá, tập trung vào dịp lễ, Tết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường.
 
Để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có sức lan tỏa lớn, hiệu ứng tốt, Ủy ban MTTQ phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân cùng thực hiện. Theo đó, địa phương thường xuyên tuyên truyền về CVĐ thông qua các cuộc họp, trên hệ thống loa của các tổ dân phố, treo băng rôn, maket… Đồng thời, phường cũng đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, vận động nhân dân ưu tiên dùng hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh, các sản phẩm OCOP. Triển khai CVĐ, người dân trên địa bàn phường đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thói quen mua sắm, luôn ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam và xem đó là nét đẹp văn hóa tiêu dùng. 
 
Với chị Nguyễn Thị Hiền, công tác trong ngành giáo dục huyện Tân Lạc, các mặt hàng "Made in Vietnam” luôn là ưu tiên trong lựa chọn mua sắm, bởi ngoài chất lượng, mẫu mã thì xuất xứ sản phẩm luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chị Hiền chia sẻ: "Các sản phẩm đến từ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp không thua kém bất kỳ sản phẩm ngoại nhập nào. Vì thế, tôi luôn tin dùng các sản phẩm Việt Nam. Đặc biệt, từ khi có chương trình OCOP, các sản phẩm của Hòa Bình đã được nâng tầm, chất lượng đảm bảo nên tôi cũng thường xuyên tìm mua”.
 
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, cách làm sáng tạo. Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức chương trình ký kết, phối hợp với Sở Công Thương về thực hiện CVĐ "Người  Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Đồng thời, phối hợp với Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đăng tải các tin, bài tuyên truyền về CVĐ. Tổ chức thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại nhằm kết nối tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh, sản phẩm OCOP. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên cũng phối hợp với ngành Công Thương, Y tế tổ chức kiểm tra, giám sát việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm Việt Nam nhằm chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người sản xuất đầu tư cải tiến công nghệ, mẫu mã, nâng cao chất lượng…
 
Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã xây dựng 5 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam”, "Tinh hoa hàng Việt Nam”, cố định tại xã Tử Nê (Tân Lạc); thị trấn Bo (Kim Bôi), xã Hòa Bình, Độc Lập (TP Hòa Bình); Chiềng Châu (Mai Châu). Tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng bán hàng và phân phối hàng hóa Việt và nhiều phiên chợ hàng Việt, qua đó góp phần quảng bá, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. 
 
Theo đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm địa phương, nhất là sản phẩm OCOP, trong giai đoạn 2021-2024, ngoài đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương… tỉnh còn đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng tầm sản phẩm. Điển hình như tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Trong giai đoạn 2021-2023, công tác khuyến công đã xây dựng 19 đề án hỗ trợ cho 23 doanh nghiệp, hợp tác xã với tổng kinh phí trên 6,7 tỷ đồng. 
 
Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tăng cường tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất - kinh doanh vận hành bán hàng trên sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tổ chức hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam, hàng sản xuất trong tỉnh… Đồng thời, ngành tiếp tục nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và kịp thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu tháo gỡ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… để hàng Việt đến ngày càng gần hơn nữa với người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm của địa phương. 
 
 
Minh Vũ
 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/191026/Dua-hang-Viet-den-gan-hon-voi-nguoi-tieu-dung.htm
Tin liên quan