Hòa Bình: Người dân thoát nghèo nhờ chương trình mục tiêu quốc gia

Nhờ triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều người dân ở Hòa Bình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp

Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo; từng bước hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Hòa Bình: Người dân thoát nghèo nhờ chương trình mục tiêu quốc gia
Xã Độc Lập đến nay đã "thay da, đổi thịt" nhờ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điển hình trong số đó là xã Độc Lập (xã đặc biệt khó khăn duy nhất của TP. Hoà Bình). Với 97% dân số là người dân tộc thiểu số, Độc Lập từng là một xã gặp nhiều hạn chế về đường giao thông, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, giao thông dễ bị chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều…

Tuy nhiên, dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có, xã xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, từ đó, đưa ra những giải pháp cụ thể thúc đẩy kinh tế như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động người dân tham gia vào các HTX nông nghiệp trên địa bàn, phát triển mô hình chăn nuôi nuôi dê, nhím… hình thành chuỗi liên kết sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Qua đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Hòa Bình: Người dân thoát nghèo nhờ chương trình mục tiêu quốc gia
Gia đình anh Nguyễn Văn Toàn đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi dê, phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Toàn (xóm Sòng, xã Độc Lập) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, kinh tế chủ yếu làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ nên chẳng đủ ăn. Năm 2019, nhờ chính quyền xã hỗ trợ cho 5 con dê, tôi chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Đến nay, đàn dê nhà tôi đã có gần 20 con, trị giá khoảng 80 triệu đồng”.

Theo anh Toàn, ngoài phát triển đàn dê, gia đình anh còn chăn nuôi hơn 10 con lợn, thu gom măng rừng của người dân để xuất bán cho các nhà hàng, chợ đầu mối ngoài TP. Hoà Bình. Nhờ vậy, vào tháng 8/2023, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được 1 ngôi nhà mới khang trang, trị giá gần 300 triệu đồng.

Hòa Bình: Người dân thoát nghèo nhờ chương trình mục tiêu quốc gia
Nhiều người dân xã Độc Lập có thu nhập tốt nhờ chăn nuôi dê, nhím...

Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập - cho biết: “Tận dụng nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững để hỗ trợ nhân dân làm nhà ở, xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập..., sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân đã mang lại "quả ngọt” khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023”.

Đến nay, xã Độc Lập chỉ còn 83 hộ nghèo và cận nghèo, phát triển hàng trăm ha đất để triển khai trồng bí xanh, đậu côve, các loại rau và cây ăn quả… Các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm được hình thành và phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 51 triệu đồng.

Hòa Bình: Người dân thoát nghèo nhờ chương trình mục tiêu quốc gia
Các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm được hình thành và phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân xã Độc Lập.

Ông Hà Văn Di - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình - thông tin, năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 16,2 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu; 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Hoà Bình tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hòa Bình: Người dân thoát nghèo nhờ chương trình mục tiêu quốc gia
Tỉnh Hoà Bình tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc đã được UBND tỉnh ban hành.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương của tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, ưu tiên dành nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề, mở rộng việc làm cho con em người dân tộc thiểu số; triển khai các hoạt động sinh kế hỗ trợ đồng bào ổn định sản xuất và đời sống.

Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 62%), trong đó, có 14 xã đặc biệt khó khăn và 7 xã khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,20% (năm 2023); thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2024 ước đạt 77,59 triệu đồng/năm.

 

 

 
Tác giả: Dần Thanh
Nguồn: https://congthuong.vn/hoa-binh-nguoi-dan-thoat-ngheo-nho-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-358734.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật