Sản phẩm cao nghệ đen của HTX Ngọc Sáng, xã Bắc Phong (Cao Phong) được lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP năm 2023.
Tính đến cuối năm 2022, huyện Cao Phong đã xây dựng được 10 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 4 sao và 7 sản phẩm đạt 3 sao. Theo đồng chí Bùi Văn Dán, các sản phẩm OCOP của Cao Phong chủ yếu dựa trên thế mạnh là vùng cây ăn quả có múi và một số sản phẩm nông sản đặc sản khác. Trong đó, bên cạnh các sản phẩm đã qua sơ chế và chế biến sâu có nhiều sản phẩm nông sản tươi như cam quả Cao Phong; na đỉnh cun... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm có sản lượng thấp, quy mô nhỏ, theo mùa vụ nên thường khan hiếm, thậm chí vào chính vụ cũng không đủ để cung cấp cho khách hàng. Điều này cũng một phần cản trở khả năng phát triển của các sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm nông sản.
Xác định xây dựng sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Cao Phong đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân, các HTX tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời, rà soát và lựa chọn những sản phẩm thực sự có tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, lâu dài. "Trong đó, sản phẩm cao nghệ đen của HTX Ngọc Sáng thuộc xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong là sản phẩm có tiềm năng. Từ lâu đời, đồng bào Dao xã Bắc Phong đã nổi tiếng với nhiều bài thuốc dân gian trị các bệnh bằng cây thuốc nam. Trong đó, cây nghệ đen được sử dụng khá hiệu quả điều trị các bệnh về tiêu hoá. HTX đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất sản phẩm cao nghệ đen xuất bán ra thị trường. HTX cũng liên kết với người dân vùng nguyên liệu nghệ đen với diện tích hơn 10 ha. Trong thời gian tới, huyện có kế hoạch hỗ trợ người dân phát triển vùng trồng nghệ đen và một số loại cây dược liệu khác tại vùng này. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng cao nghệ đen trở thành sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, huyện cũng sẽ chú trọng vào các sản phẩm dược liệu", đồng chí Bùi Văn Dán cho biết thêm.
Ngoài cao nghệ đen, rượu mía và rượu nếp râu Thạch Yên do HTX Thạch Yên sản xuất cũng được lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên tiềm năng về vùng nguyên liệu lúa nếp nương của người Mường xã Thạch Yên. Được biết đây là giống lúa bản địa truyền thống lâu đời có độ dẻo, thơm rất đặc trưng. Hiện nay, nhiều hộ dân vùng Thạch Yên đã quay trở lại trồng giống lúa nếp râu này để cung cấp ra thị trường.
Gắn xây dựng sản phẩm với phát triển vùng nguyên liệu, Cao Phong đã chú trọng hỗ trợ các chủ thể chuẩn hoá quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và các tiêu chí về mẫu mã, bao bì sản phẩm. Theo đồng chí Trưởng phòng NN& PTNT, năm 2023, huyện đã phân bổ 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và 40 triệu đồng từ ngân sách của huyện hỗ trợ xây dựng 3 sản phẩm OCOP. Việc hỗ trợ chủ yếu thông qua các hoạt động đánh giá chất lượng sản phẩm, lập hồ sơ sản phẩm và hỗ trợ xây dựng mẫu mã, bao bì. Với việc hỗ trợ trực tiếp vào sản phẩm đã góp phần giúp các chủ thể tự tin cho ra các sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn bắt mắt về mẫu mã và thuận lợi trong đóng gói.
Ngoài ra, huyện tích cực hướng dẫn các chủ thể định hình ý tưởng, phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương; tăng cường đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tổ chức quảng bá, triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị để hoàn thiện quy trình sản xuất.
Đinh Hòa