Khánh Hòa phấn đấu trở thành trung tâm công nghệ sinh học hàng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên

Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2045 trở thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học hàng đầu trong khu vực các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên.

Nhằm thực hiện Chương trình hành động số 60-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, tỉnh Khánh Hòa đã đề ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là xây dựng Khánh Hòa trở thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học về lĩnh vực y dược, công nghệ sinh học biển trong khu vực các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên; đưa ngành công nghệ sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Khánh Hòa đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp tỉnh về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Hình thành thiết chế để bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức khoa học, học viện, trường trung ương đóng trên địa bàn, doanh nghiệp và các nhân trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học.
Khánh Hòa phấn đấu trở thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học hàng đầu (Ảnh minh họa- Nguồn: baophapluat).
Tỉnh cũng tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghệ sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các giống cây trồng có giá trị, thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng các quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm sinh học; ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nguồn nước, chất thải từ nuôi trồng, chế biển thuỷ sản; Phát triển, ứng dụng, hiện đại hoá công nghệ sinh học trong công nghệ chế biến sản phẩm đặc trưng của tỉnh như yến sào, thuỷ sản, sản phẩm tham gia chương trình OCOP,...
Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến các loại thực phẩm lên men; các chế phẩm vi sinh và sản phẩm thứ cấp từ công nghiệp vi sinh, công nghiệp sinh khối vi sinh vật, các chất bảo quản,... Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học để nâng cao năng lực tiếp cận các công nghệ mới.
Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển kinh tế Biển tại Khánh Hoà (Ảnh: Tam nông Khánh Hoà)
Đặc biệt, tận dụng có hiệu quả nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học từ các Viện nghiên cứu, trường trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thông qua các chính sách đặt hàng trong nghiên cứu khoa học, xây dựng và thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh để nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp.
Xây dựng đội ngũ nhà khoa học có chuyên môn sâu trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Tập trung nguồn lực nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ sinh học mà địa phương có lợi thế.
Ngoài ra, phát huy lợi thế của các Viện nghiên cứu, Trường Đại học trung ương đóng trên địa bàn các tỉnh về công tác đào tạo nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học; Phát huy nguồn nhân lực, sử dụng các trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại, tiên tiến phục vụ nhu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học để thúc đẩy và triển khai thực hiện các chính sách, mua, chuyển giao ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, y dược và bảo vệ môi trường.
Các mục tiêu cụ thể để phát triển công nghệ sinh học tại Khánh Hoà:
Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng và thực hiện hiệu quả một số cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học, nhất là chính sách thu hút các doanh nghiệp khoa học, công nghệ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ sản xuất, đời sống. Từ đó, đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành một trong những địa phương của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên phát triển mạnh về ứng dụng công nghệ sinh học, phục vụ phát triển kinh tế biển.
Phát triển và thu hút nhân lực khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học có chất lượng cao, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài chính đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, hợp tác công - tư trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ sinh học thế hệ mới từ biển.
Đến năm 2045, phấn đầu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học hàng đầu trong khu vực; hoạt động hiệu quả, phát triển nhanh các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sản xuất và dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ sinh học.
 
Tố Uyên
Nguồn: https://congnghiepsinhhocvietnam.com.vn/tin-tuc/t3315/khanh-hoa-phan-dau-tro-thanh-trung-tam-cong-nghe-sinh-hoc-hang-dau-khu-vuc-duyen-hai-nam-trung-bo-tay-nguyen.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật