Không ngừng đổi mới,nâng cao chất lượng giáo dục

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình chú trọng đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm, gắn với thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành.

Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt".
 
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện toàn tỉnh có 520 đơn vị, trường học, 8.417 phòng học các trường mầm non, phổ thông; trên 17.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trên 23 vạn học sinh, sinh viên. Để nâng cao chất lượng đào tạo, ngành GD&ĐT tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá, sáng tạo. Trên nền tảng chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học phát triển vững chắc, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi ngày càng đi vào chiều sâu chất lượng.
 
Nhằm tạo phong trào học tập sôi nổi ở các cấp học và các lĩnh vực, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; triển khai thực hiện các mô hình giáo dục mới, phương pháp dạy học tích cực, đa dạng hóa hoạt động giáo dục và hình thức tổ chức dạy học, thúc đẩy sự phát triển toàn diện về tri thức và kỹ năng cho học sinh, giảm tải nội dung lý thuyết, tăng cường thực hành; chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh phù hợp đặc thù từng cấp học. 
 
Đặc biệt, với phương châm phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi trên nền tảng giáo dục  toàn diện và kiến thức cơ bản vững chắc, các trường đổi mới phương pháp dạy của thầy, phương pháp học tập của trò; chú trọng việc dạy chắc kiến thức cơ bản, phát triển nâng cao trên nền tảng kiến thức cơ bản. Dạy kỹ năng hình thành và rèn luyện phương pháp tư duy, trên cơ sở đó, học sinh tự vận động để tiếp nhận kiến thức mới. Giáo viên, học sinh tìm tòi, đa dạng hóa hình thức dạy và học đảm bảo hiệu quả, phù hợp năng lực bản thân. Học sinh cũng được khuyến khích học qua trải nghiệm và thực hành thực tế, từ đó giúp phát triển kỹ năng và tư duy sáng tạo.
 
Các giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số và đặc trưng văn hóa địa phương được lồng ghép vào nội dung giảng dạy, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về văn hóa và truyền thống của quê hương.
 
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục triển khai các phong trào thi đua do Trung ương, tỉnh và ngành phát động, đặc biệt là phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với việc "Học tập và làm theo  tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Triển khai phong trào thi đua "Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”. 
 
Theo đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT, việc thực hiện tốt các chính sách về thi đua - khen thưởng nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Qua đó, đẩy mạnh phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng, tôn vinh các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành.
 
Năm học 2024 - 2025 có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Giáo dục, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Chính vì vậy, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục tập trung đổi mới quản lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục; gắn trách nhiệm của giáo viên với chất lượng giáo dục của lớp học, môn học. Trong đó, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp. Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đồng thời, ưu tiên đầu tư củng cố, phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác. 
 
Cũng theo đồng chí Đinh Thị Hường, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Giáo dục tỉnh Hòa Bình tăng cường các giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các nhà trường, là khâu đột phá, trọng tâm của đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong giai đoạn mới.
 
 
Hồng Trung
Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/218/195665/Khong-ngung-doi-moi,nang-cao-chat-luong-giao-duc.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật