Liên kết vùng phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ: Điểm sáng Thái Bình

Thái Bình được xem là "nhân tố mới nổi" trong hành lang kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thái Bình được xem là "nhân tố mới nổi" trong hành lang kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng, là cầu nối giữa các tỉnh, thành phố để hình thành trục phát triển xuyên suốt nối Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Hải Phòng. Nhằm làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hưng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình.

Liên kết vùng phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ: Điểm sáng Thái Bình
Ông Nguyễn Quang Hưng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình.

Đầu tiên, xin ông cho biết một số đánh giá về vai trò cũng như lợi thế của Thái Bình trong tạo lập liên kết vùng, thúc đẩy đầu tư, thương mại, dịch vụ?

Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển (diện tích tự nhiên 1.545 km2, dân số khoảng 2 triệu người), nằm ở phía Đông Nam Đồng bằng sông Hồng; có 7 huyện, 1 thành phố. Thái Bình nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển kết nối các khu kinh tế của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong tam giác phát triển kinh tế Bắc Bộ: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hạ tầng kỹ thuật giao thông có nhiều thuận lợi: Tuyến đường bộ ven biển rút ngắn khoảng cách từ Thái Bình đến sân bay Cát Bi - Hải Phòng còn khoảng 35 km, đến cảng Lạch Huyện chỉ còn 50 km; tuyến đường quốc lộ 10 nối Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; tuyến đường Thái Bình - Hà Nam; tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đặc biệt tuyến đường cao tốc đi qua các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình sẽ được khởi công và hoàn thành trong thời gian tới tạo nên mạng lưới giao thông liên kết vùng hoàn chỉnh. Thái Bình có 8 khu công nghiệp (trong đó có 2 khu công nghiệp trong khu kinh tế) và 49 cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000ha đã giải phóng mặt bằng và đã có cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt là Khu kinh tế ven biển Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, diện tích là 30.583ha với 22 khu công nghiệp, diện tích là 8.020 ha đất công nghiệp, có hệ thống cảng biển quốc gia đang được kêu gọi thu hút đầu tư, cải tạo nâng cấp và vùng ven biển bãi bồi với diện tích trên 40.000 ha có lợi thế phát triển đô thị, dịch vụ du lịch hướng biển và phát triển năng lượng sạch, tái tạo.

Thái Bình còn có lợi thế về lực lượng lao động đông, trẻ được đào tạo; con người Thái Bình năng động, thân thiện, dễ hòa đồng; được xác định là những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát huy những tiềm năng, lợi thế, tỉnh Thái Bình đã có những quyết sách nào để tạo ra không gian phát triển mới không chỉ cho Thái Bình mà cho cả các địa phương khác, thưa ông?

Liên kết vùng là phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên sinh thái xã hội và không gian chính sách, thể chế tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc trưng của vùng, là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Một số giải pháp quan trọng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế mà Thái Bình đã triển khai thực hiện như:

Liên kết vùng phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ: Điểm sáng Thái Bình
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế ven biển Thái Bình (tháng 5/2022). Ảnh: Quang Hưng

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp và hạ tầng giao thông kết nối trọng điểm liên vùng. Hiện nay, Thái Bình đang tích cực và tập trung triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định, Thái Bình, đây là tuyến đường rất quan trọng trong việc kết nối giữa Thái Bình với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Chủ động nhận diện và tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" trong thu hút đầu tư. Đồng thời, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng...

Tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, chỉnh trang phát triển đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển Khu kinh tế ven biển và vùng biển thành trọng điểm kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao tỷ lệ đô thị hóa; chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, kết hợp phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với các tour, tuyến du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp và tiềm năng du lịch của tỉnh.

Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư trong vào ngoài nước vào Khu kinh tế. Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước (Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc...). Tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển thương mại của tỉnh (các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm...), đặc biệt đã tổ chức thành công một số hội nghị quan trọng như: Hội nghị Kết nối Thái Bình - Hàn Quốc; Hội nghị gặp gỡ Thái Bình - Nhật Bản; Hội nghị Kết nối cung - cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình.

Thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính; duy trì hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án "5 tại chỗ" tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong giải quyết các thủ tục; cải tiến, đổi mới phương pháp, cách thức giải quyết thủ tục về đầu tư đối với các dự án lớn..., tạo điều kiện thuận lợi và sự yên tâm, tin tưởng cho các nhà đầu tư vào tỉnh.

Chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án, phát triển các hình thức liên kết hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Thái Bình cũng đang tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường kết nối, liên kết vùng giữa tỉnh Thái Bình với các địa phương trong vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình nói riêng và vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung.

Vậy, với việc hình thành liên kết trong toàn vùng thì các nhà đầu tư về với Thái Bình sẽ có được những lợi thế cụ thể nào, thưa ông?

Với việc hình thành liên kết vùng, tỉnh Thái Bình sẽ khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và bứt phá đi lên trong thời gian tới. Nhà đầu tư đến với Thái Bình bên cạnh việc được hưởng những thuận lợi từ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối tỉnh Thái Bình với các trung tâm kinh tế của vùng và các tỉnh, thành phố lân cận; nguồn nhân lực dồi dào với chất lượng tốt; thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện; sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; và đặc biệt là chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình theo quy định của Chính phủ và của tỉnh (ưu đãi về đơn giá thuê đất; hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng; hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải; hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ các thủ tục hành chính về đầu tư... ở mức cao nhất trong khung khổ pháp luật)...

Tỉnh Thái Bình tin tưởng rằng, với xu thế phát triển tất yếu của liên kết vùng, sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền, Thái Bình sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, hiệu quả cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Xin cảm ơn ông!

 

 
Tác giả: Thùy Linh - Nguyễn Cường
Nguồn: https://congthuong.vn/lien-ket-vung-phat-trien-dau-tu-thuong-mai-dich-vu-diem-sang-thai-binh-248244.html
Tin liên quan