Nguy cơ nhiễm sán, ký sinh trùng từ các món ốc, cua đá nướng

Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã tiếp nhận bé trai 7 tuổi (Tuyên Quang) trong tình trạng tổn thương phổi, ngực đau tức, khó thở nghi do nhiễm sán lá phổi.

Bé 7 tuổi tổn thương phổi do ăn cua đá nướng

Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 7 tuổi ở Tuyên Quang được chẩn đoán mắc sán lá phổi.

Theo lời chia sẻ của mẹ của bệnh nhi, vài tháng trước, bệnh nhi xuất hiện các triệu chứng: Đau đầu, nôn mửa nên được gia đình đưa đi khám tại bệnh viện tỉnh.

Bệnh nhi đang điều trị sán lá phổi tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ

Bệnh nhi đang điều trị sán lá phổi tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Ảnh: BVCC)

Sau đó, bệnh nhi đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị do nghi ngờ có tổn thương tại não. Bệnh nhi đã được chụp chiếu, làm một số xét nghiệm và phát hiện tổn thương tràn dịch màng phổi. Bệnh nhi thi thoảng kêu tức ngực, được điều trị tràn dịch màng phổi ổn định và xuất viện.

Về nhà được một thời gian, trẻ tiếp tục xuất hiện triệu chứng tức ngực, khó thở và được gia đình đưa đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm máu của trẻ nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng nên được giới thiệu đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ và được chẩn đoán mắc sán lá phổi.

Mẹ cháu bé cho biết chị vô cùng bàng hoàng khi nghe thông báo con bị bệnh sán lá phổi. Chính căn bệnh này đã khiến con chị bị đau tức ngực, khó thở phải nhập viện cấp cứu. Chị cũng cho biết thêm trước đó, khi ở nhà con có ăn cua đá nướng.

Bác sĩ cho biết nguyên nhân gây bệnh có thể là do bệnh nhi đã ăn phải cua đá có nhiễm ấu trùng sán lá phổi chưa được nướng chín kỹ.

Trước đó, bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận trung bình khoảng vài chục ca sán lá phổi mỗi năm. Người nhiễm sán lá phổi thường có triệu chứng ho nhiều, khạc đờm, đờm kèm máu, có thể tức ngực, khó thở.

Điều này khiến bệnh nhân dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản. Chuyên gia cảnh báo, bệnh nhân nhiễm sán lá phổi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề tại phổi.

Dễ mắc giun sán vì các món ăn từ cua, ốc nướng

Mùa hè đến, tại các điểm du lịch biển, người dân rất thích thưởng thức các món ăn từ cua, ốc nướng. Tuy nhiên nếu ăn ốc, cua nướng chưa chín kỹ có thể gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân là trong cua, ốc có các loại ấu trùng mà khi xâm nhập vào cơ thể người. Sán lá phổi thường gặp trong cua. Sau khi vào cơ thể, sán lá phổi đi qua bạch huyết rồi lên phổi, khiến người bệnh có thể ho ra máu, để kéo dài có thể gây suy kiệt, không được điều trị có khả năng gây tử vong.

Cua, ốc rất khó nấu chín hoàn toàn nếu giữ nguyên phần vỏ, dù xào hay rửa sạch cũng khó loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng.

Các món cua, ốc nướng rất khó nấu chín hoàn toàn nên khi ăn dễ nhiễm ký sinh trùng

Trong ốc nước ngọt lại mang ấu trùng sán lá gan nhỏ. Nếu ăn phải sán sẽ chui vào đường mật và gây bệnh. Người bệnh nhiễm sán lá gan nhỏ sẽ thấy ậm ạch khó chịu vùng gan, ăn uống khó tiêu, để lâu có thể gây viêm gan, xơ gan.

Theo các chuyên gia, cua, ốc rất khó nấu chín hoàn toàn nếu giữ nguyên phần vỏ, dù xào hay rửa sạch cũng khó loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng.

Điều đáng lo là các loại ký sinh trùng trong cua, ốc chủ yếu tấn công vào các cơ quan quan trọng trong cơ thể con người như gan, phổi… thậm chí là hệ thần kinh trung ương nên nhiễm trùng có thể gây đau đầu dữ dội, cứng cổ và trong một số trường hợp nặng sẽ dẫn đến viêm màng não và tê liệt.

Để phòng bệnh, người dân cần tuân thủ ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn đồ sống, đặc biệt với những món ốc, cua nướng thì chỉ ngoài vỏ mới chín, bên trong chưa chín hẳn, các loại sán vẫn còn sống thì nguy cơ nhiễm sán còn cao hơn.

Ngoài ra, cua, ốc chết, ươn rất nhanh bị nhiễm khuẩn, do đó khi ăn ở hàng quán vỉa hè nên tìm cách kiểm tra trước khi nướng và giám sát chế biến đúng cách, đảm bảo chế biến vệ sinh, nướng chín… để giảm nguy cơ bị ngộ độc. Để an toàn hơn, người chế biến nên luộc hoặc hấp sơ cua, ốc trước khi nướng.

Với người có nguy cơ nhiễm sán (sống trong vùng đã có người mắc, ăn đồ sống, lại có biểu hiện như sốt, đau đầu, lơ mơ…) thì nên đi khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, ăn cua, ốc nướng cũng như một số món nướng khác còn có nguy cơ mắc bệnh, gây ngộ độc do sơ chế bẩn hoặc nướng thực phẩm ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra khí độc PHA (polycyclic aromatic hydrocarbon) bám vào thức ăn có thể gây ung thư.

Do đó, khi nướng cua, ốc cần duy trì nhiệt độ thấp, hoặc vừa phải để hạn chế khói; thường xuyên quay vỉ hoặc đảo mặt để món nướng chín đều; hạn chế quét dầu, mỡ vì khi chảy xuống lửa sẽ sinh ra chất độc và bám vào thực phẩm. Khi ăn, mọi người cần bỏ hết những phần bị cháy sém vì dễ có chất độc.

Khi nướng trên than hoa, chúng ta cần chú ý để than cháy hết (không còn khói) mới cho cua, ốc lên nướng; có thể dùng lá chuối, giấy thiếc bọc rồi nướng để tránh bị sém, khét.

Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Phương Thu
Nguồn: http://tuoitrethudo.com.vn/https://tuoitrethudo.vn/nguy-co-nhiem-san-ky-sinh-trung-tu-cac-mon-oc-cua-da-nuong-253392.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật