Nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước

Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua (PTTĐ), coi việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến (ĐHTT) là một trong những động lực quan trọng để công tác thi đua, khen thưởng đi vào cuộc sống. Tỉnh Hoà Bình đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương định kỳ đánh giá, sơ, tổng kết các PTTĐ, biểu dương khen thưởng và tổ chức học tập, thi đua giữa các ĐHTT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ các PTTĐ, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình mới hiệu quả, những ĐHTT trong công tác, lao động, học tập để lan tỏa trong cộng đồng và toàn xã hội; thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân ĐHTT.

Cán bộ Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh thẩm định mô hình "Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ trong trường mầm non” tại Trường mầm non Lạc Sỹ (Yên Thủy).

Đặc biệt, năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND, ngày 15/3/2023 về triển khai thực hiện Quyết định số 1526/QĐ-TTg, ngày 9/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tuyên truyền gương ĐHTT giai đoạn 2022 - 2025”, Quyết định số 796/QĐ-UBND, ngày 19/4/2023 quy định về ĐHTT tỉnh Hòa Bình. Đây là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương phát hiện, giới thiệu, công nhận ĐHTT cấp cơ sở và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xét, công nhận ĐHTT cấp tỉnh, đảm bảo các điển hình được công nhận đều là nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các PTTĐ, gương người tốt - việc tốt trong các ngành, lĩnh vực, đời sống xã hội, tạo động lực và có sức lan tỏa rộng rãi. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 37 ĐHTT trong các PTTĐ và các lĩnh vực hoạt động, công tác, trong đó có 23 tập thể, 7 hộ gia đình và 7 cá nhân. Năm 2024, UBND tỉnh đã quyết định công nhận 45 ĐHTT, trong đó có 20 tập thể, 13 hộ gia đình và 12 cá nhân.

Cùng cán bộ Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ), chúng tôi đến thăm Trường mầm non Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy, là điển hình ngành GD&ĐT với mô hình "Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ trong trường mầm non”. Theo chia sẻ của Ban Giám hiệu nhà trường, từ năm học 2022 - 2023, nhà trường đã tìm tòi, nghiên cứu triển khai mô hình. Quá trình thực hiện, nhà trường xây dựng góc truyền thống văn hóa dân tộc, gồm nếp nhà sàn, trang bị một số đồ dùng, dụng cụ đặc trưng của người Mường và các vật dụng của ông bà, cha mẹ hay sử dụng như: gùi, dao, nỏ, khung dệt... Xây dựng góc "Văn hóa ẩm thực” giúp trẻ tìm hiểu phong tục tập quán của người Mường; bố trí khu bếp với mâm cơm truyền thống có một số món ăn đặc trưng: rau đồ, gà nấu măng chua, cơm nếp nương… đặc biệt là món thịt muối chua. Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng góc "Trang phục văn hóa dân tộc”; các khu vui chơi với những trò chơi dân gian. Quá trình thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả giáo dục cao, giúp trẻ hào hứng khi được trải nghiệm các trò chơi dân gian; quan sát, trải nghiệm những giá trị văn hóa dân tộc Mường được tái hiện một cách chân thực và sinh động trong cuộc sống thường ngày. Mô hình giúp giáo dục trẻ ý thức luôn nhớ về cội nguồn, tình yêu quê hương, làng bản, từ đó phát huy ý thức giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc; đồng thời góp phần quan trọng vào tổ chức các hoạt động dạy học tiếng Việt cho các em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1...

Không chỉ ở lĩnh vực giáo dục, các ĐHTT được mở rộng trên các lĩnh vực. Trong PTTĐ "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã xuất hiện nhiều hành động "Hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới” ở các huyện, thành phố như: Hộ ông Vương Sỹ Hải, xóm Trẹo, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi tự nguyện hiến 130 m2 đất ở và 500 m2 đất trồng lúa nước để bàn giao mặt bằng xây dựng hoàn thành tuyến đường liên xóm (từ xóm Trẹo lên xóm Đúp, xã Tú Sơn) với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Điển hình trong công tác xã hội từ thiện có mô hình "Đồng hành cùng các em đến trường” của Bộ CHQS tỉnh triển khai từ năm 2016, hiện vẫn có ý nghĩa lớn và được nhân rộng trong các cơ quan, đơn vị của LLVT tỉnh. Từ khi phát động đến nay, LLVT tỉnh phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm vận động quyên góp, hỗ trợ, trao tặng 3.737 chiếc xe đạp, 1 xe lăn, 1.059 cặp sách, 208 máy tính CASIO, 162 góc học tập tình thương, 750 thẻ BHYT; nhận đỡ đầu 152 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ 300.000 đồng/tháng/em với tổng trị giá trên 7,2 tỷ đồng và còn nhiều việc làm, quà tặng ý nghĩa khác.

Trong lĩnh vực y tế có mô hình "Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh từ xa ở một số trạm y tế tuyến xã thuộc thành phố Hòa Bình” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mô hình được triển khai từ tháng 8/2023 đến nay đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các trạm y tế xã, đưa dịch vụ y tế chất lượng cao đến tận cơ sở. Hay ĐHTT trong lĩnh vực cải cách hành chính với mô hình "Chính quyền lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã góp phần đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ thân thiện; nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp...

Đồng chí Bùi Ngọc Đại, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, cùng với cả nước, tỉnh Hoà Bình đang nỗ lực tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các ĐHTT trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, lan toả sâu rộng hơn nữa PTTĐ yêu nước đã động viên, khích lệ cán bộ và các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

Hương Lan

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/11/191319/Nhan-rong-dien-hinh-tien-tien-tr111ng-ph111ng-trao-thi-dua-yeu-nuoc.htm
Tin liên quan