Những sáng kiến hữu dụng trong CCHC
Là địa phương dẫn đầu trong CCHC của huyện Krông Ana với chỉ số 91,8%, xã Bình Hòa đã có nhiều nỗ lực trong các khâu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Lê Như Diệu, để đẩy mạnh công tác CCHC, địa phương luôn xác định con người là yếu tố then chốt. Từ đó, triển khai quán triệt đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức xem CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Để trang bị những kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc thi về tìm hiểu dịch vụ hành chính công và có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thông qua các buổi tập huấn, từ đó có những sáng kiến, cách làm hiệu quả.
Công chức tại Bộ phận một cửa UBND xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. |
Đơn cử như "Mô hình đội thanh niên xung kích tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4" của chị Hồ Thị Thùy Trang làm việc tại Bộ phận một cửa của UBND xã đã được công nhận sáng kiến, kinh nghiệm cấp huyện. Điểm mới của mô hình này là việc triển khai đội thanh niên xung kích tuyên truyền lưu động và hướng dẫn người dân thực hiện các bước nộp hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng với nội dung gần gũi, có hình ảnh, hướng dẫn các thao tác thực hiện mang tính trực quan và ví dụ cụ thể, dễ hiểu. Song song với đó thành lập đội thanh niên xung kích tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã để hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải quyết TTHC.
Chỉ trong thời gian thử nghiệm khoảng 3 tháng, sáng kiến đã mang lại hiệu quả tích cực, số hồ sơ TTHC do người dân nộp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã tăng thêm 430 hồ sơ. Nhờ vậy, đã giảm bớt áp lực số hóa hồ sơ để tạo cơ sở dữ liệu TTHC cho đội ngũ cán bộ, công chức và giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của người dân. Lần đầu tới Bộ phận một cửa của UBND xã Bình Hòa để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Trần Thị Huệ (thôn 4) rất hài lòng vì được cán bộ giải quyết trong vòng chưa đầy 30 phút. Bà Huệ chia sẻ: “Nhờ cán bộ làm việc tại đây rất nhiệt tình, hướng dẫn chu đáo, tỉ mỉ nên tôi làm xong thủ tục một cách nhanh chóng, dễ dàng”.
Hướng tới nâng cao mức độ hài lòng của người dân
Theo thống kê của UBND huyện Krông Ana, trong năm 2022 và quý I/2023, tỷ lệ TTHC cập nhật lên hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông của tỉnh (hệ thống iGate) đạt tỷ lệ 100%. Số lượng TTHC tiếp nhận và giải quyết ở mức độ 3, 4 được cải thiện và chưa có kiến nghị, phản ánh của tổ chức, người dân về TTHC. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, huyện luôn dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác CCHC.
Người dân xã Dray Sáp quét mã QR để tìm hiểu về các thủ tục hành chính. |
Để giữ vững “ngôi vị quán quân” này, theo ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND huyện Krông Ana, địa phương luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp với mục tiêu hướng tới mức độ hài lòng của người dân. Theo đó, tập trung nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa của huyện và xã nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng tập trung chỉ đạo tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Điển hình như UBND xã Bình Hòa với chương trình “Nhật ký phát thanh” và phối hợp với Đoàn Thanh niên hướng dẫn người dân tiếp nhận TTHC, cách nộp hồ sơ mức độ 3 và 4 bằng hình thức online. Hay các xã Quảng Điền, Băng Adrênh đã tổ chức được nhiều hội nghị, cuộc thi liên quan đến TTHC để tìm hiểu kiến thức và đề xuất sáng kiến kinh nghiệm về hành chính công nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng hiệu quả trong CCHC.
Ngoài ra, huyện còn thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số gắn với CCHC; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc sử dụng hệ thống Thư điện tử công vụ, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (iGate) vào hoạt động của đơn vị...
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Vũ, nhìn chung thời gian qua, công tác CCHC được chủ động, thường xuyên thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định. Chất lượng văn bản và chuyển đổi số được nâng cao góp phần làm nên hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ công mức độ 3 và 4 đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chất lượng phục vụ người dân.
Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện CCHC tại địa phương vẫn tồn tại một số khó khăn về dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, huyện kiến nghị UBND tỉnh nâng mức độ cung ứng dịch vụ công trực tuyến đối với một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương về lĩnh vực giáo dục và đào tạo như: học sinh chuyển trường, tuyển sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, THCS...
Vân Anh