Phòng, chống thiên tai - không để bị động, bất ngờ

Là địa bàn từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, trước mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy (BCH) Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án PCTT nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân.

Nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình diễn tập phương án cứu người ra khỏi khu vực bị sạt lở.
 
Những thiệt hại do thiên tai
 
Tháng 4, bà con dân tộc Mông hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện vùng cao Mai Châu chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch mận hậu niên vụ 2024. Tuy nhiên, trận mưa đá bất ngờ ngày 24/4 đã làm hơn 100 ha mận hậu và đào thiệt hại đến 70%, khiến người trồng mận có nguy cơ trắng tay. Ngoài đào, mận, hàng chục ha rau su su, bắp cải, bí xanh cũng bị dập nát hoàn toàn do mưa đá.
 
Trở lại Pà Cò sau trận mưa đá kinh hoàng, người dân nơi đây chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận mưa đá lịch sử. Đồng chí Sùng A Sía, Chủ tịch UBND xã Pà Cò chia sẻ: Mưa trắng trời, đá rơi dày trên mặt đất, toàn bộ diện tích su su, bắp cải, mận hậu bị mưa đá làm dập nát. Nhiều nhà dân bị đá rơi thủng lỗ chỗ, điện mất, cây cối đổ gãy, ai cũng sợ vì chưa từng chứng kiến trận mưa đá nào lớn như vậy. Trận mưa đá làm ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người dân. 
 
Trước đó, ngày 21/4, mưa đá kèm dông lốc cũng gây nhiều thiệt hại cho 2 huyện Đà Bắc, Cao Phong. Tại huyện Đà Bắc, mưa lớn kèm dông lốc, gió giật mạnh làm sập hoàn toàn 2 ngôi nhà, 127 ngôi nhà bị tốc mái cùng hàng chục ha hoa màu tại các xã vùng cao của huyện bị hư hỏng nặng. Tại huyện Cao Phong, sét đánh chết 2 con trâu của một hộ dân tại xóm Cạn Thượng, xã Hợp Phong. Đây không phải lần đầu xóm Cạn Thượng bị ảnh hưởng do thiên tai, năm 2023, do ảnh hưởng của mưa lớn, trên địa bàn xóm đã xảy ra hiện tượng sụt lún, sạt lở nhiều đoạn đường. 
 
Những tháng đầu năm, Hòa Bình không chỉ bị ảnh hưởng bởi mưa dông mà còn chịu thiệt hại nặng nề bởi nắng nóng. Đáng nói, đợt nắng nóng kỷ lục từ ngày 26/4 - 3/5 là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng tại các huyện: Đà Bắc, Lạc Sơn, TP Hòa Bình, làm thiệt hại hơn 8 ha rừng các loại. 
Theo đồng chí Hoàng Đình Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, cùng một lúc xảy ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan khiến công tác ứng phó ngày càng khó khăn, bất lợi. Thiên tai đã làm thiệt hại nặng nề đối với nhiều hộ dân, chủ yếu xảy ra ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn nên thiệt hại càng trở nên nghiêm trọng, mất nhiều thời gian khắc phục và ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống người dân. 
 
Tính đến tháng 5, tỉnh Hòa Bình thiệt hại hơn 53 tỷ đồng do ảnh hưởng của thiên tai, chủ yếu tại các huyện: Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và Cao Phong. Trong đó, thiệt hại về nhà ở 426 nhà, cụ thể, mức thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 31 nhà, thiệt hại  từ 50 - 70% là 35 nhà, thiệt hại nặng từ 30 - 50% là 1 nhà, thiệt hại một phần dưới 30% là 359 nhà. Đối với sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại 478ha, trong đó, lúa trên 11ha; rau màu các loại trên 270ha; cây ăn quả các loại trên 115ha; cây trồng lâu năm 3,02ha và trên 53ha rừng. Ngoài ra, thiên tai đã làm hư hỏng nặng nhiều đoạn kênh mương, đường giao thông và cột điện trên địa bàn tỉnh. 
 
Chủ động để giảm tối đa thiệt hại
 
Theo dự báo, năm 2024, tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trước thực tế này, theo đồng chí Hoàng Đình Tráng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Giải pháp duy nhất để ứng phó là chủ động, chủ động từ cấp ủy đảng, chính quyền đến nhân dân. Không để bất cứ địa phương nào bị động, bất ngờ trước thiên tai, bão lũ nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại.
 
Để chủ động ứng phó, trước mùa mưa lũ, BCH PCTT-TKCN&PTDS tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi, cầu cống để kịp thời phát hiện những sự cố hư hỏng, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa. Huy động nhân dân tham gia sửa các công trình thủy lợi nhằm kịp thời thoát lũ và cung cấp nước tưới trong các đợt nắng nóng kéo dài. Xây dựng kịch bản chi tiết tình huống, phương án ứng phó hiệu quả; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đề phòng hiện tượng dông, sét và nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra. Thiết lập hành lang an toàn, chủ động lựa chọn địa điểm ổn định, an toàn cho nhân dân trong trường hợp cần di chuyển khẩn cấp. Hiện nay, tỉnh đã cho lắp đặt hơn 30 trạm đo mưa và trạm cảnh báo lũ trên các hệ thống sông lớn và thiết bị cảnh báo nguy cơ sạt lở đất. 
 
Đặc biệt, để tạo sự chủ động trong nhân dân, BCH PCTT-TKCN&PTDS tỉnh đã triển khai đồng bộ việc xây dựng lực lượng, diễn tập các phương án, kịch bản PCTT; thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh.  Đến thời điểm này, tỉnh đã xây dựng được lực lượng PCTT tại tất cả các thôn, xóm. Các đội xung kích, đội cứu hộ PCTT thường xuyên được tập huấn, diễn tập các phương án PCTT trên địa bàn. 
 
Theo đồng chí Quách Danh Nam, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy, trong phương án, huyện chỉ đạo các xã xây dựng kịch bản chi tiết việc ứng phó khi xảy ra mưa lũ lớn gây ngập úng, sạt lở đất. Xác định phương án di dời, cụ thể từng địa chỉ tránh trú đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Với các phương án cụ thể, chi tiết, không chỉ cán bộ mà người dân hiểu được cách thức phòng tránh thiên tai và những việc cần hành động khi thiên tai xảy ra. 
 
Cùng với việc xây dựng lực lượng, phương án PCTT, tỉnh chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí, trang cấp, bổ sung phương tiện, vật tư phục vụ công tác PCTT, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
Đinh Hòa
 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/189494/Phong,-chong-thien-tai-khong-de-bi-dong,-bat-ngo.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật