Vụ cháy xảy ra chiều 6/1 tại một cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) thêm một lời cảnh báo về nguy cơ cháy, nổ trong dịp Tết Nguyên đán.
Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh, thời điểm cuối năm, nhất là giáp Tết Nguyên đán được xem là khung thời gian cao điểm nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Bởi đây vừa là mùa hanh khô, đồng thời là thời điểm các cơ sở hoạt động SXKD sôi động nhất trong năm. Các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất tập kết nhiều hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Điểm vui chơi giải trí sử dụng tối đa công suất các thiết bị tiêu thụ điện. Tại các nhà dân, nhu cầu sử dụng điện và lửa để đốt vàng mã, thắp hương thờ cúng... tăng lên.
Đó là thực tế đã được cảnh báo trước. Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, vào hồi 18h45' ngày 13/12/2024 xảy ra cháy các ki ốt bán hàng của cửa hàng kinh doanh tạp hóa Hải Nhuận thuộc xóm Bắc Sơn, xã Bắc Phong (Cao Phong). Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản, hàng hóa tổng trị giá 82 triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chập cháy hệ thống điện. Sau đó lan sang hàng hóa, vật liệu dễ cháy được cơ sở tập kết, lưu trữ nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Sau vụ cháy này, vào chiều 6/1/2025, một cơ sở kinh doanh phục vụ ăn uống trên địa bàn phường Đồng Tiến bất ngờ xảy ra cháy. Người dân kịp thời sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy nên không gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện tại hệ thống quạt thông gió của quán.
Theo thống kê của lực lượng chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn cơ sở SXKD, khu dân cư, nhà ở hộ dân có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao. Trong năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy (so với năm 2023 tăng 2 vụ), tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại lớn về tài sản khoảng trên 34,7 tỷ đồng. Có 10 vụ cháy xảy ra tại khu vực đô thị; 17 vụ cháy xảy ra tại khu vực nông thôn, đáng nói có 6 vụ cháy nhà ở đơn lẻ; 1 vụ cháy chợ; 4 vụ cháy cơ sở sản xuất; 1 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh; 2 vụ cháy dãy ki ốt bán hàng. Điển hình là vụ cháy xảy ra tại xưởng của một cơ sở sản xuất bao bì ở khu công nghiệp Bình Phú (TP Hòa Bình), thiệt hại về tài sản ước khoảng 30 tỷ đồng, tổng diện tích các khu vực bị cháy khoảng 3.500m2. Vụ cháy xảy ra tại dãy ki ốt chợ Hàng Trạm, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy), tài sản thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã làm rõ nguyên nhân 20/23 vụ cháy, trong đó xác định 15/23 vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện.
Ý thức tự phòng ngừa cháy, nổ là then chốt
Theo Thượng tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH: Để đẩy lùi các nguy cơ cháy, nổ, nhất là nguy cơ cháy, nổ trong dịp Tết Nguyên đán 2025, phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho người dân. Phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức tổng kiểm tra, phúc tra các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ sở quan trọng về chính trị, văn hóa, kinh tế và cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, dễ phát sinh cháy lớn; tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất tại các cơ sở SXKD trọng điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, đặc biệt chú ý đến cơ sở SXKD hàng hóa dễ cháy, nổ như cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas, chợ, trung tâm thương mại và các kho tàng, cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Nội dung kiểm tra về đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC, an toàn PCCC của hệ thống điện, nguồn nước chữa cháy, tổ chức lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ... Ngoài ra, đơn vị tăng cường phối hợp các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương kiện toàn đội dân phòng tại khu dân cư; duy trì hoạt động hiệu quả mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC”, "Điểm chữa cháy công cộng”; vận động người dân tự trang bị bình chữa cháy và mở lối thoát nạn thứ 2.
Đặc biệt, để hạn chế nguy cơ cháy, nổ trong dịp Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo và tổ chức cho hộ kinh doanh tiểu thương tại các chợ, trung tâm thương mại ký cam kết không tồn chứa nhiều chất dễ cháy, nổ; nâng cao ý thức cảnh giác PCCC; tăng cường tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ; sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; tổ chức rà soát, kiểm tra các phương án, lực lượng chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ”, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra, không để cháy lan, cháy lớn. Bảo đảm các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả; kịp thời phát hiện, dập tắt cháy ngay khi mới phát sinh. Chú trọng kiểm tra tổng thể các thiết bị điện, táp lô điện, định kỳ bảo trì, sửa chữa hư hỏng để bảo đảm an toàn PCCC về điện. Đối với hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun... khắc phục những nguy cơ gây cháy; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã.
"Để ngăn chặn hiệu quả cháy, nổ yếu tố then chốt vẫn là ý thức tự phòng, tự quản lý, giám sát của mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, cơ sở SXKD. Trong đó, việc tự kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng, chống cháy nổ là cách phòng ngừa hiệu quả nhất. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để đẩy lùi các nguy cơ cháy, nổ tại mỗi gia đình, kho tàng, cơ sở SXKD... không chỉ trong thời điểm Tết Nguyên đán mà cả trong hoạt động hàng ngày”, Thượng tá Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Mạnh Hùng