Phụ huynh sơ ý, trẻ nhỏ dễ gặp tai nạn

Thời gian qua, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận một số trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt. Trong số đó, nhiều trường hợp trẻ bị kẹt tay vào cửa, bỏng nước sôi, ngã xe đạp…

Người lớn bất cẩn, trẻ lãnh hậu quả

Tai nạn sinh hoạt luôn là mối đe dọa rình rập trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi. Mỗi năm, hệ thống bệnh viện trên cả nước tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn sinh hoạt, có trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Mới đây nhất là bé gái A.N (17 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị dập nát 2 ngón tay do cho tay vào máy thêu quần áo. Mẹ bé A.N cho biết, gia đình mở xưởng thêu quần áo tại nhà, trong lúc mẹ đang làm không để ý, cháu đã vô tình cho tay vào máy thêu đang hoạt động nên bị cuốn tay vào.

Ngón tay trẻ thời điểm nhập viện

Ngón tay trẻ thời điểm nhập viện

Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã vội vã đưa cháu đến bệnh viện huyện để cấp cứu. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời điểm nhập viện, ngón 2 và 3 bàn tay phải có nguy cơ phải cắt cụt, do vết thương bầm dập nhiều, kèm theo các dị vật như dầu mỡ… của máy thêu nên việc giữ lại ngón tay cho bệnh nhi rất khó khăn. Tuy nhiên, các bác sĩ đã quyết tâm bảo tồn ngón tay cho trẻ.

Bác sĩ Lê Tuấn Anh cùng ekip phẫu thuật cho bệnh nhi.

Bác sĩ Lê Tuấn Anh cùng ekip phẫu thuật cho bệnh nhi.

“Sau 2,5 tiếng phẫu thuật, ekip đã kết hợp xương, khâu nối gân ngón tay cho trẻ. Hiện tại, sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi ổn định, vết thương khô, ngón tay 2 và 3 đã hồng hào và trẻ đã được xuất viện”, bác sĩ Lê Tuấn Anh cho hay.

Vì sao trẻ gặp nhiều tai nạn trong sinh hoạt tại gia đình?

Một số thống kê cho thấy, ở lứa tuổi từ 1-5 tuổi, trẻ thường gặp tai nạn liên quan đến bỏng do lửa, điện, nước sôi hoặc đuối nước, hóc dị vật, ngã cầu thang...

Trong độ tuổi từ 6-10 tuổi, trẻ lại thường bị tai nạn do tiếp xúc môi trường bên ngoài như gãy tay, chân do leo trèo, tai nạn giao thông. Đặc biệt, khi ở lứa tuổi dậy thì (14-15 tuổi), trẻ thường gặp các tai nạn giao thông với những chấn thương rất nặng ở sọ não, ngực bụng, gãy tay chân…

Tùy vào từng tai nạn có thể dẫn đến mức độ tổn hại sức khỏe của trẻ khác nhau. Nhẹ có thể chỉ xây xát ngoài da, nặng có thể tổn thương các cơ quan nội tạng, thậm chí là tử vong. Đơn cử như những trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất độc lại có thể gây tổn thương nặng nề đường hô hấp và tiêu hóa; hay khi trẻ bị hóc dị vật đường thở có thể gây suy hô hấp và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Bác sĩ Lê Tuấn Anh Thăm khám cho một bệnh nhi đang điều trị tại khoa do bị hoại tử do kẹt chân.

Bác sĩ Lê Tuấn Anh Thăm khám cho một bệnh nhi đang điều trị tại khoa do bị hoại tử do kẹt chân

Nhiều cha mẹ có những xử trí sai lầm khi con bị tai nạn trong sinh hoạt làm cho tình trạng sức khỏe của trẻ tiến triển nặng và không được can thiệp sớm. Không ít trường hợp thương tổn nặng khó chữa lành, như đứt lìa ngón, cánh tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân, thậm chí có trường hợp tai nạn gây nguy hiểm tới tính mạng. Nhiều trường hợp cấp cứu muộn do cha mẹ e ngại đưa con đi cấp cứu bệnh viện trong dịp Tết.

Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ thường hiếu động, thích tò mò, chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn sinh hoạt. Thời gian qua, liên tục các ca nhập viện do tai nạn sinh hoạt là do kẹt tay vào cửa, máy thêu, máy lọc nước của gia đình, bỏng nước sôi… đều gặp phải tổn thương phức tạp, khó hồi phục.

Chính vì vậy, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, cha mẹ cần cẩn trọng, có các biện pháp đảm bảo an toàn, chú ý đến các tình huống có thể gây rủi ro cho trẻ. Nếu không may trẻ gặp tai nạn, gia đình nên sơ cứu và nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần chú ý đến những tình huống có thể gây rủi ro cho trẻ.

Ví dụ như các đồ vật thủy tinh, vật sắc nhọn; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như nước sôi, nồi canh, nồi cơm điện đang sôi… gần khu vực trẻ chơi. Các đồ vật có nguy cơ cao cần để ngoài tầm với của trẻ và luôn để ý trẻ chơi trong tầm mắt của người lớn.

Khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc cần đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát của người lớn. Bên cạnh đó, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần cùng trẻ tìm hiểu, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn.

Tác giả: Phương Thu
Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/phu-huynh-so-y-tre-nho-de-gap-tai-nan-244546.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật