Tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh
Quận Cầu Giấy gồm 8 phường, với dân số khoảng hơn 300.000 người, đặc biệt trên địa bàn quận có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, khu nhà trọ sinh viên, nhiều công trình xây dựng thi công dở dang, người lao động thuê tập trung đông… tình hình di biến động dân số cao nên quận luôn được coi là “điểm nóng” của dịch bệnh sốt xuất huyết.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận ghi nhận 43 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 2 ca so với cùng kỳ năm 2023, bệnh nhân phân bố tại 7 phường gồm: Quan Hoa, Trung Hòa, Mai Dịch, Yên Hòa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Nghĩa Tân; riêng phường Nghĩa Đô chưa ghi nhận ca bệnh; tại phường Trung Hòa ghi nhận 1 ổ dịch đang hoạt động.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại cơ sở |
Quận Cầu Giấy luôn chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của thành phố, hướng dẫn của Sở Y tế, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phường tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Trung tâm Y tế quận phối hợp với đơn vị liên quan nắm chắc tình hình diễn biến của dịch, chủ động chuẩn bị vật tư, hóa chất thực hiện tốt công tác phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cho biết, khi tiếp nhận thông tin ca bệnh, ổ dịch thì đơn vị khẩn trương tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng, giám sát các chỉ số côn trùng; cùng với đó thực hiện tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi; tuyên truyền cho người dân khu vực có ca bệnh, ổ dịch các biện pháp phòng chống dịch. Trung tâm Y tế đã chủ động giám sát được 115/115 ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023, đạt 100% chỉ tiêu đề ra.
“Tuy nhiên, kết quả giám sát vệ sinh môi trường diệt bọ gậy vẫn còn phát hiện dụng cụ chứa nước có bọ gậy, tại một số điểm còn phát hiện muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, ổ bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước dễ quan sát như: Hòn non bộ, chậu cây cảnh, lọ cây phát lộc, lốp xe, thùng trữ nước sinh hoạt, bình tưới cây…”, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.
Trung tâm Y tế phối hợp với các đơn vị thường xuyên đánh giá các yếu tố nguy cơ, chỉ số véc tơ truyền bệnh tại các khu vực ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao, giám sát khu vực có ca bệnh/ca nghi mắc mới kịp thời.
Hiện 8/8 phường kiện toàn đội ngũ cộng tác viên với 1.132 thành viên; 970 đội xung kích với 2.273 thành viên; 227 tổ giám sát với 351 thành viên. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các phường đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho đội xung kích và tổ giám sát khi chưa có ổ dịch và khi có ổ dịch, bảo đảm hoạt động hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, toàn quận đã triển khai 10 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với 51.739 lượt hộ được kiểm tra/55.590 hộ gia đình (đạt 93%), trong đó có 1.267 người tham gia chiến dịch, phát hiện và xử lý được trên 7.200 dụng cụ chứa nước có bọ gậy; các phường duy trì tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy vào các buổi sáng thứ 7 hàng tuần.
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức người dân
Trước tình hình thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi truyền bệnh, bên cạnh đó nhận thức của một số người dân vẫn còn chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Để chủ đông công tác phòng chống dịch, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cho biết, đơn vị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy hàng tuần; giám sát chặt chē các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao... thực hiện phun hóa chất tại ổ dịch, khu vực nguy cơ cao tại các phường có số mắc tǎng cao, ổ dịch mới.
Người dân cần tích cực, chủ động phối hợp với ngành Y tế trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn |
“Đồng thời, các đơn vị giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm bệnh nhân mắc tại các cơ sở y tế và cộng đồng để điều tra, khống chế, xử lý kịp thời ca bệnh theo quy định, không để dịch lây lan, bùng phát; đảm bảo đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị và phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra”, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.
Trước diễn biễn phức tạp của thời tiết và tình hình dịch bệnh, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan, UBND các phường không chủ quan, tiếp tục chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát; xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết theo Đề án "Chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận Cầu Giấy giai đoạn 2024 - 2026".
Trung tâm Y tế chỉ đạo các Trạm Y tế tăng cường công tác truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường không để phát sinh ổ bọ gậy, diệt muỗi, chống muỗi đốt; phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý ổ dịch; quán triệt, vận động người dân hưởng ứng phun hoá chất diệt muỗi theo hướng dẫn của ngành Y tế để nâng cao tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi...; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của quận, phường, qua hệ thống mạng xã hội Facebook, Zalo...
Ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng cho biết, trong tuần qua, quận phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội tổ chức lớp tập huấn phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh bạch hầu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, phường, Trung tâm Y tế quận, đại diện đội xung kích, tổ giám sát và Bí thư chi bộ 8 phường trên địa bàn.