Quảng Ngãi triển khai hiệu quả công tác hậu kiểm về ATTP trong 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cùng với công tác tham mưu, chỉ đạo, thực hiện, các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai có hiệu quả công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Toàn tỉnh đã lập 231 đoàn hậu kiểm ở tất cả các tuyến tỉnh, tuyến huyện/thị xã/thành phố và tuyến xã. Triển khai công tác hậu kiểm về điều kiện cơ sở tại tuyến tỉnh, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra tại 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 14 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 05 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 14 cơ sở sản xuất thực phẩm. Kết quả, có 31/33 cơ sở tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, 02 cơ sở thực phẩm vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với số tiền là 24.500.000 đồng.

Theo đại diện Sở Y tế Quảng Ngãi, các hành vi vi phạm chủ yếu là: khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các yếu tố gây hại khác; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy theo quy định.

Lấy mẫu test nhanh để kiểm tra độ an toàn của nguyên liệu tại cơ sở kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Riêng ngành Y tế đã kiểm tra, hậu kiểm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại 97 cơ sở thực phẩm. Qua kiểm tra đã phát hiện 03 cơ sở vi phạm. Số tiền xử phạt là 22.000.000 đồng. Trong khi đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của 71 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 58/71 cơ sở cơ bản đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; 13 cơ sở vi phạm bị xử phạt với số tiền là 58.000.000 đồng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm 1.538 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Kết quả, có 06 cơ sở xếp loại A, 1.531 cơ sở xếp loại B; 01 cơ sở xếp loại C.

Ngành Công Thương đã kiểm tra, hậu kiểm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại 36 cơ sở thực phẩm, phát hiện 05 cơ sở thực phẩm vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở này là sử dụng người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật để sản xuất thực phẩm.

Về công tác hậu kiểm về chất lượng sản phẩm, thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành lấy 11 mẫu tôm chân trắng, phát hiện 01 mẫu bị nhiễm kháng sinh cấm sử dụng là Ciprofloxacin. Thực hiện Kế hoạch lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm nông, thủy sản năm 2022, ngành cũng đã tiến hành lấy 23 mẫu thực phẩm nông, thủy sản. Kết quả có 20/23 mẫu đáp ứng yêu cầu về quy định an toàn thực phẩm, 03 mẫu không đáp ứng. Các mẫu không đạt được được xử lý theo quy định. Đặc biệt, đoàn thanh tra tiến hành lấy 04 mẫu thực phẩm gửi đến Phòng kiểm nghiệm được chỉ định phân tích các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm. Kết quả, 04/04 mẫu đạt yêu cầu.

Công tác triển khai hậu kiểm của các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được tiến hành kịp thời, đúng đối tượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong quá trình hậu kiểm, đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người tham gia sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm.

Để tiếp tục đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bản tỉnh, Sở Y tế Quảng Ngãi đề nghị các sở, ngành được phân công quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn cần tuân thủ Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND ngày 31/7/2019 của UBND tỉnh Quảng Ngãi để kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm và nhóm sản phẩm thực phẩm được phân công quản lý, đặc biệt tại các chợ và siêu thị; phân cấp, hướng dẫn cho cấp huyện, thành phố trong việc quản lý tránh chồng chéo và bỏ sót đối tượng quản lý; vận động các cơ sở thực phẩm đầu tư xây dựng điều kiện cơ sở, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ cho quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.

 

Hà Nguyễn

Nguồn: https://congnghiepsinhhocvietnam.com.vn/tin-tuc/t2655/quang-ngai-trien-khai-hieu-qua-cong-tac-hau-kiem-ve-attp-trong-6-thang-dau-nam.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật