Tăng giải pháp “gỡ khó” cho sản xuất công nghiệp

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới cần chủ động giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng phục hồi sản xuất.

Công nghiệp chế biến, chế tạo mất vai trò dẫn dắt tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, trong quý I/2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37% làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm.

Thời gian tới, Bộ Công Thương thúc đẩy phát triển sản xuất, trong đó bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất
Thời gian tới, Bộ Công Thương thúc đẩy phát triển sản xuất, trong đó bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất

Nhìn nhận rõ nhất phải nói tới công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Báo cáo của Bộ Công Thương chỉ rõ, nguyên nhân của suy giảm sản xuất công nghiệp là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định...

Trong khi đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm; thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như: ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép….

Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Nhận định khó khăn của sản xuất công nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu, kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại. Các chính sách kinh tế của một số quốc gia lớn dự kiến sẽ có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam. “Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời kỳ Zero-Covid mang lại nhiều cơ hội phục hồi chuỗi cung ứng cho các ngành sản xuất trong nước, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày của Việt Nam”- ông Nguyễn Ngọc Thành nhận định.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng lý giải, khó khăn trong nước đến từ sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Chẳng hạn như ngành dệt may, hiện nay một số công ty sản xuất gia công xuất khẩu chỉ đạt được khoảng độ 80% đơn hàng chỉ trong tháng 4.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận và sử dụng vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn do lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào như logistics, nguyên vật liệu, lao động… vẫn ở mức cao. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đặc biệt là các dự án đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông; đồng thời, thị trường bất động sản suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…

Dự báo trong thời gian tới, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới.

Thúc đẩy sản xuất công nghiệp tạo đà cho những tháng tiếp theo

Thời gian tới, Bộ Công Thương thúc đẩy phát triển sản xuất, trong đó bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và DN lớn toàn cầu.

ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)

Trong các phân ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng cũng như đóng góp trong GDP hàng năm lớn nhất, qua đó tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, việc công nghiệp chế biến, chế tạo suy giảm trong quý 1/2023 kéo theo sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế vừa rồi là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần khẩn trương có những chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp, qua đó giải phóng năng lực sản xuất trong nước, cải thiện tình hình tăng trưởng. Nếu không có những giải pháp trong thời gian sớm nhất, chắc chắn chúng ta sẽ khó có thể đạt được những chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra trong năm nay.

Đề cập giải pháp cụ thể, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết, tại thời điểm này cần phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp bám sát tình hình mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc sau giai đoạn chính sách Zero-Covid; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa – trong đó đặc biệt là các hàng hóa nguyên phụ liệu, linh phụ kiện để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước trong các ngành sản xuất.

Đối với một số ngành công nghiệp cụ thể như ngành khoáng sản, Bộ Công Thương sẽ tham mưu để Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới; đồng thời bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước.

Đối với ngành thép và ngành cơ khí, cần tận dụng các cơ hội từ nguồn vốn đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng để tạo thị trường cho một số ngành hàng như thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo…

"Riêng với ngành ô tô, để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành và một số địa phương, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính phối hợp nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt hay ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước"- lãnh đạo Cục Công nghiệp thông tin.

Đối với các ngành xuất khẩu chủ lực (dệt may, da – giày, điện tử…) tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình, hoạt động kết nối cung – cầu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu. Kịp thời trao đổi, phổ biến cho các DN về tình hình thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống, chủ lực của các ngành hàng xuất khẩu.

Đồng thời Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, phát triển sản xuất. Cụ thể, tập trung vào các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn (như: rà soát để tiếp tục thực hiện giãn hoãn, miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ (hạ lãi suất, cho vay ưu đãi, duy trì lãi suất cho vay ở mức phù hợp…), tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Cục Công nghiệp khuyến cáo đối với các dệt may, da giày khi các thị trường xuất khẩu đều yêu cầu chất lượng và tiến độ. Do đó, các doanh nghiệp phải tìm kiếm đầu tư một cách bài bản về công nghệ cũng như là về con người để đáp ứng được các yêu cầu mới đặt ra. Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi và cùng phối hợp với các DN, ngành hàng để cùng đưa ra giải pháp trong thời gian tới, thậm chí kiến nghị các chính sách liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

 

 
Tác giả: Việt Anh
Nguồn: https://congthuong.vn/tang-giai-phap-go-kho-cho-san-xuat-cong-nghiep-249666.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật