Tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển

Đồng hành với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua nhiều thời kỳ, kinh tế tư nhân đã phát triển không ngừng cả về quy mô và chất lượng, được khẳng định là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước cần có thêm nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực, tạo đà cho kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển lâu dài, hoạt động bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh.

 
May túi xuất khẩu tại Công ty Huyền Bính (Nam Định). (Ảnh LÂM THANH)
 
Bài 1: Thay đổi tư duy, hành động về kinh tế tư nhân
 
Ở nước ta, dù kinh tế tư nhân đang dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng trên thực tế hiện nay, khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách cũng như năng lực nội tại của chính các doanh nghiệp. Đây đang là những "điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
 
Với thực tế nêu trên, các cơ quan chức năng cần sớm thay đổi tư duy, hành động để có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm tạo đà, nâng tầm vị thế cho kinh tế tư nhân, giúp khu vực này tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.
 
Giữ vai trò quan trọng
 
Khi tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta xác định phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mở đường cho phép kinh tế tư nhân tự do hoạt động.
 
Công cuộc đổi mới tạo ra một bước ngoặt lịch sử phát triển cho nền kinh tế Việt Nam, từ đó đề ra nhiều chủ trương, chính sách, tiền đề quan trọng phát triển kinh tế tư nhân và doanh nhân Việt Nam. Nhờ đổi mới tư duy, từ một vị thế thấp kém, bị trói buộc, lực lượng kinh tế tư nhân đã đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi bờ vực khủng hoảng, đặt nó vào quỹ đạo phát triển mới, với thị trường mở cửa, hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
 
Đây là nhiệm vụ lịch sử khẳng định vai trò tích cực và vị thế quan trọng hàng đầu của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam hiện đại ngay tại điểm khởi đầu nó được chính thức thừa nhận. Trong nhiều năm tiếp theo, khu vực kinh tế tư nhân đã khẳng định là lực lượng nền tảng của mọi nền kinh tế thị trường, tiếp tục phát triển và đóng góp to lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, kinh tế tư nhân ở nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ.
 
Trong giai đoạn 2010-2017, trung bình mỗi năm có hơn 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, đến giai đoạn 2018-2022, mỗi năm có hơn 130 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới. Tương ứng với đó, số vốn đăng ký hằng năm đạt hàng triệu tỷ đồng, riêng giai đoạn 2018-2022, mỗi năm kinh tế tư nhân đóng góp trung bình 2 triệu tỷ đồng vốn đăng ký mới cho nền kinh tế.
 
Với khoảng 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% vào GDP cả nước, một phần ba thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước.
 
Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam khi chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, tăng từ 51,3% năm 2016 lên đến 59,5% năm 2021.
 
Giai đoạn trong và sau đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực đã đóng vai trò trụ cột, góp sức gánh vác những trọng trách lớn cho đất nước, đồng thời tạo "đòn bẩy” để đưa kinh tế nhanh chóng phục hồi, bứt phá và đang từng bước kinh doanh đa ngành để trở thành những doanh nghiệp quan trọng trong nền kinh tế. Đội ngũ doanh nhân nước ta ngày càng lớn mạnh với khoảng 7 triệu người với tinh thần kinh doanh, đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng,...
 
Điều này đã cho thấy vai trò, vị trí và sự lớn mạnh của nguồn lực kinh tế tư nhân đang ngày càng được khẳng định, đặc biệt, trong việc góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi "diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Dù đạt được rất nhiều những thành tựu đáng mừng, nhưng theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, rõ ràng hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa thật sự được cải thiện, còn hạn chế nhiều mặt, chưa sẵn sàng trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
 
Trong số 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp lớn (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước) chỉ chiếm khoảng 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với đa số vẫn là kinh tế hộ kinh doanh (chiếm 94%).
 
Do đó, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của số doanh nghiệp này còn thấp, cơ cấu ngành nghề bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Khu vực kinh tế tư nhân dù lớn về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Xét về khía cạnh phát triển bền vững, vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra, nhất là vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường.
 
Ngày 31/3 vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết số 45/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%,...
 
Chưa thật sự bền vững
 
Sau đại dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân ở nước ta đều gặp nhiều khó khăn khiến tốc độ tăng trưởng bị chững lại. Giai đoạn 2020-2021 mỗi năm có khoảng 120 nghìn-140 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động cũng chiếm tới 60%.
 
Theo số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2023 có khoảng 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022; trung bình một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. So với hơn 61.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì số doanh nghiệp rời bỏ thị trường cao hơn đã cho thấy "sức chịu đựng” của các doanh nghiệp đang đạt tới giới hạn.
 
Doanh nghiệp tư nhân luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải chủ yếu liên quan đến việc tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; tiếp cận đất đai, thị trường, khách hàng; môi trường kinh doanh còn thiếu thuận lợi; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế,...
 
Nhiều chuyên gia đánh giá, mặc dù nhận thức về kinh tế tư nhân có sự thay đổi, song vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử, nhất là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, thậm chí là người dân đối với khu vực này. Khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo và thiếu đồng bộ, chưa tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của chủ thể thuộc khu vực tư nhân.
 
Việc phát triển kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, đặc biệt là các doanh nghiệp thành lập mới, tuy nhiên tỷ trọng doanh nghiệp "rời bỏ” thị trường cũng không nhỏ, chiếm khoảng hai phần ba doanh nghiệp thành lập mới. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khu vực này còn chậm được cải thiện, phần lớn vẫn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
 
Đặc biệt, trình độ của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những hạn chế khi thiếu năng lực cho đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ, quy trình sản xuất mới. Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, chỉ bằng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp FDI.
 
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, mặc dù thời gian qua, Chính phủ có nhiều chỉ đạo, cơ chế, chính sách hỗ trợ, cùng sự quyết tâm để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tuy nhiên những hành động cụ thể, chính sách cụ thể, triển khai hiệu quả để hướng tới tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp còn rất chậm.
 
Một khảo sát của VCCI cho thấy, khoảng 51,3% số doanh nghiệp trả lời là không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ 8% số doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ các chương trình, chính sách theo luật định; 42,9% số doanh nghiệp cho biết không mở rộng sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn về tiếp cận đất đai; tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất của khoảng 55,6% số doanh nghiệp.
 
Dù mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và xa hơn là 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 thể hiện mong muốn, quyết tâm của Chính phủ trong phát triển lực lượng kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, song sẽ không dễ đạt được nếu như không có thêm nhiều nỗ lực cải cách, hỗ trợ hiệu quả, giúp "nâng tầm” vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đất nước. Như vậy mới bảo đảm khu vực này có môi trường, điều kiện để "vượt sóng”, tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp cho đất nước.

 

TheoNhanDan

 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/178711/Tao-da-cho-kinh-te-tu-nhan-phat-trien.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật