Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Với việc xác định đúng thế mạnh của từng vùng, từng địa phương trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nông dân các địa phương trong tỉnh đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận thị trường cũng như ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Trị, xã Yên Trị (Yên Thủy) sử dụng công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm dược liệu theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chúng tôi đến xóm Dứng Ổi, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi gặp lại ôngBùi Văn Binh - "Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2019. So với những năm đầu trên hành trình khởi nghiệp, quy mô sản xuất của gia đình ông Binh được mở rộng hơn nhiều. Trang trại VAC diện tích trên 4ha vừa đầu tư nuôi cá, trồng cây ăn quả, vừa chăn nuôi lợn theo phương pháp an toàn sinh học đã mang lại thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm cho gia đình. Ông Binh cho biết: Để đạt được danh hiệu cao quý do T.Ư Hội Nông dân (HND) trao tặng, ngoài sự nỗ lực của bản thân, một điều quan trọng là tôi luôn nhận được sự đồng hành, sát cánh của các cấp HND. Nhờ được hỗ trợ vay vốn và tham gia các lớp đào tạo, dạy nghề, chuyển giao KHKT, tôi dần thay đổi cách nhìn nhận, tư duy làm nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng an toàn; chủ động nắm bắt, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Không chỉ thực hiện mô hình hiệu quả, cho nguồn thu nhập khá, gia đình còn tạo việc làm tại chỗ cho 5 - 7 lao động.

Phát huy vai trò là trung tâm kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên, những năm gần đây, các cấp HND đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho hội viên nông dân (HVND) về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vận động, hướng dẫn nông dân phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Hội tích cực chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 300, ngày 31/3/2021 của T.Ư HND Việt Nam về thực hiện đề án "Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025"...

Trình độ sản xuất của nông dân có nhiều chuyển biến, đã chú trọng áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội phối hợp tổ chức tập huấn đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn thương mại điện tử cho 195 HVND; phối hợp tổ chức 8 lớp dạy nghề chăn nuôi gà, trồng bí xanh, trồng nấm... cho gần 200 HVND; có trên 500 hội viên được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi.

Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ HND tỉnh quan tâm đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều HVND dám nghĩ, dám làm, tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con, lĩnh vực mới như: mô hình homestay, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học, trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... góp phần đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ trong kinh tế nông thôn.

Phong trào cũng góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại. Nhiều nhóm hộ hội viên SXKD giỏi đã thành lập các tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả SXKD; tham gia tích cực, củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

Hiện, toàn tỉnh có trên 100 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của các tổ hợp tác, HTX, các hộ SXKD và một số đơn vị, doanh nghiệp. Điều này cho thấy bước đầu đã có sự chuyển biến về nhận thức của HVND trong ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Hiện nay, nông dân tại các địa phương dần chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang phát triển theo quy mô trang trại, mô hình công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển các loại gia súc, gia cầm chất lượng cao nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Việc chọn hướng đi phù hợp cho nông nghiệp của từng khu vực, địa bàn đã từng bước hình thành bức tranh nông nghiệp đa dạng, hiệu quả. Từ đó đưa nông nghiệp của tỉnh có bước chuyển mình, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thu Hằng

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/190417/Thay-doi-tu-duy-san-xuat-nong-nghiep.htm
Tin liên quan