“Hồi ngôn” là một hoạt động thuộc chuỗi sự kiện 52Hz của Tổ chức tình nguyện Palette of Sound (POS) - CLB được thành lập bởi một nhóm học sinh các trường THPT.
Mục đích của chương trình triển lãm là để quảng bá, gây quỹ cho các bạn trẻ bị khiếm thính trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện ước mơ tạo ra một môi trường hỗ trợ, phát triển về tâm lý của những trẻ em bị câm điếc thông qua nghệ thuật.
Các bạn nhỏ tham gia triển lãm "Hồi ngôn" |
Triển lãm giúp một bộ phận các bạn khiếm thính cất lên tiếng nói của mình, tự do thể hiện ước mơ thông qua nghệ thuật. Bên cạnh đó, triển lãm cũng có sự tham gia của một số họa sĩ trẻ với mong muốn đấu giá các bức tranh của mình để gây quỹ từ thiện cho tập thể người khiếm thính và lan tỏa những thông điệp tốt đẹp.
Với mục tiêu kết nối cộng đồng người khiếm thính với xã hội, triển lãm tạo cơ hội giúp trẻ em khiếm thính được thấu hiểu, đồng cảm, và hòa nhập với xã hội, đồng thời tạo ra một sân chơi thân thiện, lành mạnh để các em được thỏa sức bộc lộ cá tính và phát triển.
Đại diện BTC chia sẻ về ý nghĩa của triển lãm |
Em Phạm Gia Linh - học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trưởng ban Tổ chức (BTC) triển lãm “Hồi ngôn” chia khi đến với nghệ thuật hội họa, em đã được tiếp xúc với các bạn khiếm thính và hiểu, đồng cảm được những khát khao mà các bạn học sinh bằng tuổi mình nhưng lại không có cơ hội được phát triển tài năng của mình một cách thuận lợi nhất.
Chính vì lẽ đó, em đã mong muốn tạo ra một sân chơi phổ cập những kiến thức cơ bản về khuyết tật về âm thanh đến với mọi người xung quanh, để mọi người có thể hiểu và thông cảm, từ đó xóa bỏ ranh giới giữa hai cộng đồng này.
Các bạn nhỏ hào hứng tham gia vẽ tranh |
Thay vì nghĩ rằng người câm điếc là người khuyết tật, ta có thể nhận ra rằng người khiếm thính chỉ đơn giản là một cộng đồng với một ngôn ngữ, cách giao tiếp khác. Qua những bức tranh tại triển lãm, "Hồi ngôn" giúp mọi người có cái nhìn toàn diện và tích cực về những người khiếm thính cũng như đồng cảm và đón nhận họ.
“Toàn bộ tranh ở triễn lãm đều được gắn mã QR để những người yêu hội họa có thể tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩa của bức tranh cũng như tìm hiểu về tác giả. Các tác phẩm ở triển lãm sẽ được BTC bán để gây quỹ, tạo ra một sân chơi mới cho học sinh khiếm thính, đồng thời cũng có thêm kinh phí để mua thêm màu vẽ, giá vẽ và hỗ trợ các bạn khiếm thính các hoạt động để phát triển nghệ thuật” - đại diện BTC cho biết.
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm |
Về ý nghĩa tên gọi của triển lãm, Phạm Gia Linh chia sẻ: “Khi mới tiếp xúc với các bạn khiếm thính thì em cũng phải nhờ người phiên dịch, sau đó em lên mạng để tìm hiểu và học hỏi thêm ngôn ngữ cơ thể của các bạn khiếm thính và học các bảng chữ cái dập nổi để có thể nói chuyện và giao lưu với các bạn khiếm thính khi chúng em cùng ngồi vẽ lên một bức tranh.
"Hồi ngôn" mang đến ý nghĩa “hồi đáp những tiếng nói”. Tiếng nói ở đây là tiếng nói của những đứa trẻ khiếm thính, vì khiếm khuyết cơ thể mà chưa được thấu hiểu, đón nhận bởi những người xung quanh. Với tên gọi này, mong rằng những tiếng nói, suy nghĩ và hơn cả là ước mơ mà các em đã bày tỏ trên những trang vẽ được trang trí bằng vỏ sò sẽ được lắng nghe, tôn trọng và hồi đáp”.
Còn với hình ảnh vỏ sò, BTC cũng muốn truyền tải thông điệp: Hãy lắng nghe, tìm hiểu những âm thanh không tên, những “viên ngọc trai” ẩn sâu bên trong mỗi người, mà ở đây cụ thể là người khiếm thính, để thấu hiểu, yêu thương, bảo vệ họ và nhận ra những vẻ đẹp tâm hồn bị che khuất bởi khiếm khuyết thể chất.
Do đó, "Hồi ngôn" cũng hy vọng có thể mở ra chiếc vỏ sò chan chứa tình cảm để lan tỏa tình yêu thương đến với cộng đồng người khiếm thính nói riêng và mọi người nói chung.
Triển lãm thu hút đông đảo người xem |
Trước đó, các bạn khiếm thính đã được tham gia chương trình workshop 52Hz, được trao đổi, training thêm một số kỹ năng để có thể tạo ra sản phẩm, tác phẩm từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.